Ngày làm việc thứ 18, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII: Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012

16/11/2011

Ngày 14-11, các đại biểu làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012 và thảo luận hai dự án: Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học.

Giao Bộ nào thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo?

 

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã thảo luận về dự án Luật Quảng cáo. Các ý kiến phát biểu đều tán thành Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật này. Vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu quan tâm  thảo  luận    quy  định  về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo (Ðiều 6). Dự thảo luật giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, trong thảo luận các đại biểu QH còn nhiều ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT và TT) quản lý nhà nước về quảng cáo vì khoảng 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, hệ thống đài phát thanh, đài truyền hình, in-tơ-nét, các phương tiện truyền dẫn phát sóng, xuất bản phẩm...; trong khi đó, ngành VHTT và DL chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời: quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn. Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định như dự thảo, đề nghị giao Bộ VHTT và DL chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo vì cho rằng, mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc bảo đảm thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đang giao Bộ VHTT và DL quản lý nhà nước về quảng cáo, nên Bộ đã có kinh nghiệm và có sẵn bộ máy quản lý lĩnh vực này, giao cho Bộ tiếp tục quản lý đỡ phải xáo trộn bộ máy. Trên thực tế, việc phân công và phối hợp tương tự cũng đã được quy định trong một số luật như Luật Ðiện ảnh, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 

Các ý kiến phát biểu cũng quan tâm quy định về những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; quyền, nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người cho thuê phương tiện quảng cáo và vấn đề quy hoạch quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời.

 

Vấn đề cấp phép quảng cáo hay bỏ thủ tục cấp phép quảng cáo cũng được nhiều đại biểu thảo luận và số đông đề nghị chưa nên bỏ quy định về cấp phép quảng cáo, mặc dù đây là một bước tiến bộ trong việc cải cách thủ tục hành chính. Nhiều ý kiến cũng đề cập việc quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử (Khoản 1, Ðiều 29) và tỏ thái độ không đồng tình hình thức này vì xâm phạm quyền của công dân. Một số ý kiến cũng đề nghị cấm quảng cáo vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới.

 

Phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012

 

Ðầu buổi chiều, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu QH về phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Ðinh Văn Nhã trình bày dự thảo nghị quyết này. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách T.Ư năm 2012 là 493.675 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách T.Ư năm 2012 là 633.875 tỷ đồng, trong đó có 151.633 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương.

 

Theo Nghị quyết, ngân sách T.Ư tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền... Nghị quyết cũng nêu rõ việc bố trí thường xuyên triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; ưu tiên cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội.

 

QH đã tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung của Nghị quyết và thông qua toàn bộ nội dung Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012 với tổng số 412 đại biểu tán thành, bằng 82,4% tổng số đại biểu QH.

 

Phát triển nguồn nhân lực thời kỳ đổi mới, hội nhập

 

Thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học (GDÐH), đa số đại biểu phát biểu ý kiến tán thành nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH. Nhiều ý kiến cho rằng, GDÐH là một bộ phận quan trọng trong nền giáo dục của mọi quốc gia, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển đất nước. Trước những yêu cầu ngày càng cao của phát triển KT-XH, GDÐH nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GDÐH chưa hoàn chỉnh; Luật Giáo dục tuy có một số điều khoản về GDÐH nhưng chủ yếu vẫn là những quy định chung, mang tính nguyên tắc; GDÐH được điều chỉnh chủ yếu bằng các văn bản dưới luật. Việc ban hành Luật GDÐH để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDÐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDÐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế là cần thiết.

 

Về mục tiêu ban hành luật (quy định tại Ðiều 4), đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) đề nghị cần xây dựng luật với khung pháp lý cao nhất, có vai trò định hướng chiến lược phát triển GDÐH một cách toàn diện, đặt nền móng cho vấn đề cải cách sâu sắc và triệt để GDÐH cả một thời kỳ lâu dài. Có như thế luật mới có tác dụng bền lâu, đi vào cuộc sống, góp phần sáng tạo chuyển giao tri thức của dân tộc và nhân loại.

 

Về mô hình tổ chức và việc phân tầng cơ sở GDÐH quy định tại Ðiều 10, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, GDÐH nước ta có sự phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng các cơ sở đào tạo mà còn đa dạng về mô hình tổ chức, hoạt động cũng như chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, cấu trúc hệ thống GDÐH Việt Nam chưa được xác định rõ ràng. Một số đại biểu nêu ý kiến trong dự thảo Luật  đã liệt kê tương đối đầy đủ về tên gọi, loại hình cơ sở GDÐH hiện có ở nước ta nhưng chưa có quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về phân tầng cơ sở GDÐH.

 

Nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDÐH và Hội đồng trường. Theo ý kiến một số đại biểu, dự án Luật cần quy định chi tiết hơn về đối tượng và lộ trình cụ thể thực hiện quyền tự chủ, đặc biệt và trước hết là tự chủ trong các hoạt động đào tạo của cơ sở GDÐH; việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ. Ðại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng,  dự thảo Luật cần xem xét vấn đề này một cách toàn diện hơn. Mặc dù đã được quy định ở Ðiều 28 và rải rác ở một số điều khác trong luật, nhưng quy định còn quá khắt khe. Vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm nghe có vẻ "thoáng" nhưng quy định cụ thể thì lại không được như vậy.

 

 Vấn đề xã hội hóa và công bằng xã hội trong GDÐH được nhiều đại biểu quan tâm. Khoản 3, Ðiều 10 quy định thực hiện xã hội hóa GDÐH, có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục tư thục và cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận, ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư lớn bảo đảm đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định, cấm lợi dụng hoạt động GDÐH vì mục đích vụ lợi. Ðại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, cách trình bày như vậy chưa thể hiện đầy đủ chủ trương của Ðảng về xã hội hóa giáo dục và sẽ không phát huy được sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục. Việc khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận là vấn đề không khả thi. Quy định như dự thảo không những không khuyến khích được sự tham gia của các thành phần kinh tế mà ngược lại, làm cho nhà đầu tư ái ngại và không mặn mà đầu tư cho GDÐH. Về nội dung công bằng xã hội trong GDÐH, theo đại biểu Ðinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), tại khoản 7, Ðiều 10 quy định có chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nội dung tại các điều, khoản chưa cụ thể. Theo đại biểu này, thời gian qua đã có nhiều chính sách giáo dục quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, nhưng riêng với bậc GDÐH còn thiếu những chính sách tạo điều kiện thuận lợi thật sự cho học sinh dân tộc thiểu số. Vì thế, đề nghị bổ sung quy định Nhà nước và các cơ sở GDÐH dành một tỷ lệ ngân sách, kinh phí nhất định cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận GDÐH chất lượng cao.

 

 

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác