HIỆP ĐỊNH EVIPA SẼ THAY THẾ 21 HIỆP ĐỊNH KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ SONG PHƯƠNG HIỆN HÀNH GIỮA VIỆT NAM- EU

07/05/2020

Thuyết minh làm rõ một số vấn đề của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết, về nội dung chủ yếu, Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục.

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục, gồm những nội dung chủ yếu sau:

Về Chương 1, quy định về mục tiêu và các khái niệm sử dụng trong Hiệp định. Theo đó, mục tiêu của Hiệp định là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các Bên phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư một cách có ý thức để bảo vệ môi trường, người lao động theo các tiêu chuẩn và thỏa thuận quốc tế mà các Bên đã tham gia, đồng thời nâng cao mức sống, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế, tạo cơ hội việc làm mới và cải thiện phúc lợi chung.

Về Chương 2, quy định về phạm vi điều chỉnh của Hiệp định và cam kết của mỗi Bên về bảo hộ đầu tư đối với nhà đầu tư đã có hoạt động đầu tư hợp pháp trên lãnh thổ của Bên kia. Chương này không quy định quyền tiếp cận thị trường của nhà đầu tư trong giai đoạn chấp thuận đầu tư vì đã được điều chỉnh tại Hiệp định EVFTA.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, theo Hiệp định EVIPA, nghĩa vụ về bảo hộ đầu tư của mỗi Bên được quy định như sau:  

Một là, mỗi Bên cam kết đối xử với nhà đầu tư của Bên kia không kém thuận lợi hơn nhà đầu tư của nước mình (Đối xử quốc gia). Tuy nhiên, các Bên có thể ban hành các biện pháp không phù hợp với nguyên tắc này với điều kiện biện pháp đó không trái với các cam kết của Bên đó về đầu tư trong Hiệp định EVFTA.

Hai là, mỗi Bên cam kết đối xử với nhà đầu tư của Bên kia không kém thuận lợi hơn nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào khác (Đối xử tối huệ quốc), trừ: Đối xử của mỗi Bên dành cho nhà đầu tư của nước thứ ba trong các lĩnh vực: dịch vụ thông tin, văn hóa, thể thao và giải trí; thủy sản và nuôi trồng thủy sản; lâm nghiệp và săn bắn; khai thác mỏ và dầu khí; Đối xử của mỗi Bên dành cho nhà đầu tư của nước thứ ba theo các điều ước quốc tế đã được thực hiện trước khi Hiệp định này có hiệu lực; Đối xử mà các nước EU dành cho nhau theo các thỏa thuận nội bộ của khối EU và đối xử Việt Nam dành cho các nước ASEAN theo các thỏa thuận của khối này.

Ba là, mỗi Bên bảo đảm đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư của Bên kia, đồng thời không cản trở, từ chối xét xử công bằng trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính hoặc vi phạm thủ tục tố tụng tư pháp và hành chính…

Bốn là, các Bên cam kết không trực tiếp hoặc gián tiếp quốc hữu hóa, tước quyền sở hữu của nhà đầu tư, trừ trường hợp vì mục đích công, phù hợp với thủ tục luật định, trên cơ sở không phân biệt đối xử và bồi thường thỏa đáng, đầy đủ cho nhà đầu tư.

Năm là, mỗi Bên cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài (gồm vốn góp ban đầu, lợi nhuận và thu nhập từ vốn khác, tiền bản quyền, phí hỗ trợ kỹ thuật, các khoản tiền theo hợp đồng, tiền công và thu nhập khác của người lao động nước ngoài, các khoản tiền bồi thường thiệt hại). Việc chuyển ra nước ngoài các khoản tiền liên quan đến đầu tư được thực hiện không chậm trễ, bằng đồng tiền tự do chuyển đổi và theo tỷ giá thị trường áp dụng tại thời điểm chuyển tiền.  Cam kết này không cản trở các Bên áp dụng pháp luật của nước mình một cách công bằng và không phân biệt đối xử trong các trường hợp: xử lý phá sản doanh nghiệp; bảo vệ quyền của chủ nợ; giám sát thận trọng các tổ chức tài chính; phát hành, mua bán các công cụ tài chính; phòng chống tội phạm; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí và tuân thủ phán quyết trong quá trình tố tụng.

Sáu là, mỗi Bên cam kết không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong trường hợp Bên đó quyết định bồi thường cho nhà đầu tư về những thiệt hại phát sinh do chiến tranh, xung đột vũ trang, và khi tài sản của nhà đầu tư bị trưng dụng hoặc phá hoại một cách không cần thiết trong các trường hợp nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ một số nội dung của Hiệp định EVIPA

Về Chương 3, quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực thi Hiệp định, gồm hai phần: Phần A quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các Bên về việc giải thích và áp dụng Hiệp định. Các tranh chấp này được giải quyết tại trọng tài được thành lập theo từng vụ việc, tương tự cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Hiệp định EVFTA. Phần B quy định về giải quyết tranh chấp giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia theo cơ chế thường trực. Cơ chế này được thực hiện tại hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm, gồm các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn theo các tiêu chí được quy định cụ thể tại Hiệp định. Khi có tranh chấp đầu tư phát sinh, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên thụ lý vụ tranh chấp đó. Ngoài ra, các Bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua trung gian hòa giải hoặc bằng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác.

Về Chương 4, quy định về cơ chế tổ chức thực thi Hiệp định; theo đó, các Bên sẽ thành lập Ủy ban thực thi Hiệp định nhằm bảo đảm thực hiện và áp dụng Hiệp định này phù hợp với mục tiêu đã đặt ra. Chương này cũng quy định về các biện pháp ngoại lệ mà mỗi Bên có thể áp dụng mà không bị coi là vi phạm Hiệp định, bao gồm: Các biện pháp bảo vệ trật tự an toàn xã hội, sức khỏe và cuộc sống con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và bảo đảm tuân thủ pháp luật (Ngoại lệ chung); Các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mỗi Bên (Ngoại lệ an ninh); Các ngoại lệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài những nội dung nêu trên, Hiệp định có 13 Phụ lục quy định các nội dung sau: Phụ lục 1 quy định các Cơ quan của các Bên có thẩm quyền quyết định ngừng cấp ưu đãi đầu tư mà không phải bồi thường cho nhà đầu tư. Đối với Việt Nam, các cơ quan này bao gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính hoặc tòa án. Phụ lục 2 quy định những ngoại lệ của Việt Nam về đối xử quốc gia; theo đó, Việt Nam có quyền ban hành các biện pháp không phù hợp với nghĩa vụ đối xử quốc gia đối với các ngành được liệt kê trong Phụ lục này với điều kiện biện pháp đó phù hợp với Danh mục cam kết cụ thể của Việt Nam tại Chương 8 của Hiệp định EVFTA. Phụ lục 3 quy định chi tiết cách hiểu Điều 2.5 về nghĩa vụ đối xử công bằng và thỏa đáng. Phụ lục 4 quy định các tiêu chí xác định hành vi tước quyền sở hữu trực tiếp và tước quyền sở hữu gián tiếp. Phụ lục 5 quy định việc không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư đối với việc đàm phán tái cấu trúc nợ của một Bên, trừ trường hợp việc tái cấu trúc tạo ra phân biệt đối xử. Phụ lục 6 quy định Danh sách các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU sẽ được Hiệp định EVIPA thay thế khi Hiệp định này có hiệu lực. Phụ lục 7 quy định Quy tắc tố tụng trong giải quyết tranh chấp giữa các Bên tham gia Hiệp định EVIPA. Phụ lục 8 quy định quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên khi giải quyết tranh chấp giữa các Bên tham gia Hiệp định EVIPA. Phụ lục 9 quy định Cơ chế hòa giải tranh chấp giữa các Bên tham gia Hiệp định EVIPA. Phụ lục 10 quy định cơ chế hòa giải tranh chấp giữa nhà đầu tư và các Bên. Phụ lục 11 quy định quy tắc ứng xử của thành viên Cơ quan giải quyết tranh chấp sơ thẩm, Cơ quan giải quyết tranh chấp phúc thẩm và hòa giải viên khi giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và các Bên. Phụ lục 12 quy định "quy trình tố tụng đồng thời"; theo đó, nhà đầu tư không được đưa tranh chấp ra giải quyết theo Hiệp định này trong trường hợp nhà đầu tư đó hoặc công ty mẹ, con của nhà đầu tư đó đã đưa tranh chấp có liên quan ra tòa án hoặc trọng tài quốc tế khác. Phụ lục 13 quy định quy trình làm việc của Cơ quan giải quyết tranh chấp phúc thẩm.

Tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên cơ sở các nội dung chính của Hiệp định, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định EVIPA đối với Việt Nam; đồng thời đánh giá được những thách thức của việc thực thi Hiệp định để đưa ra giải pháp để phát huy tối đa lợi ích từ Hiệp định./.

Hồ Hương