Ảnh minh hoạ
Thực hiện quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Bộ Giao thông vận tải đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình lập đề nghị xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Theo Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình lập đề nghị xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đảm bảo hướng cụ thể hóa các quy định về lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, bảo vệ quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật đã được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, vấn đề lồng ghép bình đẳng giới còn phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với các quy định pháp luật hiện hành về bình đẳng giới. Đồng thời phải tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước CEDAW; phù hợp với khuyến nghị chung của Ủy ban CEDAW liên quan đến việc bảo đảm các quyền con người của nữ giới và nam giới trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình lập đề nghị xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý, thiết lập cơ chế bình đẳng giới thực chất giữa nam giới và nữ giới trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Về việc thực hiện quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, theo Bộ Giao thông vận tải, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được xây dựng đảm bảo theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trong quá trình xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với nam và nữ dựa trên 04 tiêu chí: cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và hưởng thụ các quyền, lợi ích của mỗi giới khi thực hiện chính sách theo các nội dung:
1. Xác định vấn đề bình đẳng giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà dự án Luật điều chỉnh; trong đó xác định có hay không vấn đề giới, phân tích các nguyên nhân, bất cập của vấn đề giới.
2. Đánh giá tác động kinh tế, xã hội, giới, tác động của thủ tục hành chính và tác động đối với hệ thống pháp luật của từng giải pháp chính sách giải quyết vấn đề bao gồm cả vấn đề về giới.
3. Dự báo tác động của các chính sách, quy định trong dự án Luật khi được ban hành đối với nữ và nam; tổng hợp, so sánh kết quả đánh giá tác động của các chính sách quy định trong dự án Luật, đề xuất giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề về giới.
4. Xác định có quan có thẩm quyền ban hành chính sách, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành chính sách và nguồn lực bảo đảm thi hành chính sách, trong đó bao gồm các vấn đề về giới trong phạm vi Luật điều chỉnh.
5. Xây dựng báo cáo đánh giá tác động, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Theo Bộ Giao thông vận tải, đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thực hiện dựa trên nguyên tắc bình đẳng nam, nữ và không phân biệt đối xử về giới, cụ thể hóa và đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 “nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là một căn cứ quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật” (Khoản 2 Điều 20 Luật bình đẳng giới năm 2006); đảm bảo nguyên tắc “xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” (Điều 4 Luật Bình đẳng giới năm 2006).
Về quá trình thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc tổ chức xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông cho biết việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được thực hiện đúng tinh thần không phân biệt vị trí, vai trò và trách nhiệm của các giới khác nhau trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội nói chung và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ nói riêng, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không có nội dung quy định về giới tính.
Theo quy định tại Điều 21 Luật Bình đẳng giới năm 2006 và các quy định có liên quan của Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thành lập, cơ cấu thành phần dựa trên ba yêu cầu cơ bản:
Thứ nhất, bảo đảm được quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Thứ hai, đáp ứng được những đặc thù về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật;
Thứ ba, đáp ứng được yêu cầu về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện dự án Luật với sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có liên quan đến vấn đề về giới.
Trong quá trình soạn thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), danh sách của các cơ quan tham gia Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có 16/40 là nữ (chiếm 40%), Tổ biên tập có 28/60 là nữ (chiếm 47%) đảm bảo nguyên tắc “nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006).
Hiện việc lập dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ.