TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19 ĐẾN LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM VÀ AN SINH XÃ HỘI

31/03/2020

Trước tình hình dịch viêm phổi cấp COVID-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường, tác động lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có báo cáo nhận định sơ bộ về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với một số lĩnh vực xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19

Tác động của dịch bệnh đến lao động, việc làm, an sinh xã hội

Nhận định sơ bộ về tác động của dịch bệnh trong lĩnh vực lao động việc làm và an sinh xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm và mất việc làm ở một số khu vực gia tăng, tốc độ tăng phụ thuộc vào diễn biến dịch. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo: Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý II/2020 sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm, hàng triệu lao động bị ngừng việc; nếu dịch bùng phát mạnh hơn sẽ có 350-400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu có nguy cơ bị ngừng việc.

Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng về ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài doanh thu sẽ giảm rất mạnh và dẫn đến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn, cắt giảm tiền lương, đồng thời nguy cơ phá sản cao.

Khảo sát trên cũng cho thấy, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến 6 tháng thì tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm 20-50% chiếm gần 29%. Gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng… Gần 39% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động, gần 21% doanh nghiệp đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhưng cũng rất khó; gần 4% doanh nghiệp thực hiện ngừng kinh doanh và gần 4% doanh nghiệp cho người lao động nghỉ không lương.

Về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho hay, trong tháng 02/2020 số người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 63,26% so với tháng 01/2020. Số liệu thống kê trên cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp 2 tháng đầu năm 2020 cùng với việc nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thấy sức mua sẽ giảm và gây tác động đến việc làm. Theo thống kê trong 2 tháng năm 2020 cho thấy, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh có thời hạn tăng 19,5% so với cùng kỳ; số lao động của doanh nghiệp đăng ký mới giảm 3,9%.

Về tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có trên 500.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài làm việc tại tại 36/188 quốc gia, vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm bệnh. Tại 03 thị trường lao động chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chưa có người lao động Việt Nam nhiễm bệnh; trong quý I/2020 chỉ có 1.297 lao động về nước. Nhìn chung, lao động Việt Nam tại nước ngoài vẫn tham gia làm việc bình thường, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn y tế tại nước làm việc và qua khảo sát chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này. 

Về bảo hiểm xã hội (BHXH): Trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn về việc làm, doanh thu… sẽ phát sinh nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn không chỉ trong việc trả lương mà còn khó khăn trong việc đóng BHXH, trả nợ BHXH. BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn 860/BHXH- BT ngày 17/3/2020 về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đối với các đối tượng yếu thế: tình hình dịch hiện nay trên thế giới cho thấy, đối tượng người cao tuổi (NCT) là nhóm chịu nhiều rủi ro nhất khi bị nhiễm COVID-19. Đối với các ca mắc COVID-19 đến nay tại Việt Nam thì sức khỏe hầu hết bệnh nhân ổn định, tuy nhiên có hai ca nặng đều trên 60 tuổi và có bệnh nền. 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp

Diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp COVID-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường, chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động chính xác. Trên cơ sở đánh giá các tác động sơ bộ nói trên, trong bối cảnh quy mô doanh nghiệp ở nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài, dự báo sức chịu đựng của doanh nghiệp là rất khó khăn và nhiều hệ lụy về tăng trưởng, lao động, việc làm, tiền lương… sẽ ảnh hưởng thậm chí đã bắt đầu xuất hiện những cảnh báo xa hơn về suy thoái kinh tế nếu dịch kéo dài và tình hình kiểm soát dịch chưa được cải thiện ở cấp độ toàn cầu. Ủy ban về các vấn đề xã hội nhất trí với “nhiệm vụ kép” mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời kiến nghị một số nội dung cụ thể. Trong đó, đối với Chính phủ và các bộ ngành bên cạnh việc tiếp tục duy trì và kiên quyết, thống nhất triển khai, áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng ở mức độ cao nhất để ứng phó với kịch bản cao nhất của dịch bệnh; cần chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống làm việc trực tuyến phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành song song với công tác phòng, chống dịch thì cần nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật để có những đề xuất kịp thời trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật phù hợp, có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp (như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật BHXH; Luật Việc làm; Luật Dự trữ quốc gia; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp…) và phổ biến kịp thời những bài học, kinh nghiệm trong quá trình phòng, chống dịch; đúc kết thành cẩm nang phòng, chống, ứng phó dịch bệnh trong tương lai.

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiến nghị, có hình thức ghi nhận, biểu dương kịp thời, phù hợp những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Vi rút Corona gây ra, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế - tuyến đầu của chống dịch, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, đoàn thể… và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.

Quan tâm việc phân bổ, điều chỉnh ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế nhằm đáp ứng trong cả trung hạn và dài hạn để tăng cường năng lực bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng.

Dành ưu tiên trong chương trình xây dựng pháp luật, áp dụng các quy trình rút gọn đối với các dự án luật có liên quan đến trường hợp khẩn cấp khi ứng phó và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đề nghị với Chính phủ sớm đánh giá, dự báo, xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và thời kỳ hậu dịch bệnh trước các tác động rất lớn của dich bệnh đối với kinh tế toàn cầu. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc sắp xếp, điều chỉnh các kỳ thi, học kỳ trong năm học… của học sinh, sinh viên.

Đồng thời chỉ đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chủ động rà soát Chương trình, kế hoạch công tác và cho phép điều chỉnh, thay đổi Chương trình công tác, tiến độ các nội dung báo cáo tại các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp khi cần thiết để bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài./.

Bảo Yến

Các bài viết khác