ỦY BAN PHÁP LUẬT BÁO CÁO THẨM TRA VỀ VIỆC GIẢI THỂ 03 XÃ THUỘC HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN, TỈNH QUẢNG NGÃI

13/01/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của 18 tỉnh, thành phố.

Đó là các tỉnh, thành: Bình Dương, Cao Bằng, Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu, Tiền Giang, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Yên Bái, Bắc Kạn, Bến Tre, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

Một trong những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là việc giải thể 03 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo thẩm tra đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho thấy, Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đề nghị giải thể toàn bộ 03 xã An Bình, An Hải, An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi về việc tổ chức hành chính ở huyện đảo Lý Sơn theo mô hình không có ĐVHC cấp xã.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc giải thể 03 ĐVHC cấp xã ở huyện đảo Lý Sơn là phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC, phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phù hợp với thực tiễn. Vấn đề này đã được tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án, lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở 03 xã và ở huyện với tỷ lệ tán thành rất cao.   

Hiện tại, các luật về tổ chức bộ máy chưa có quy định về hệ quả pháp lý khi một ĐVHC bị giải thể thì tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị đó như thế nào và cơ quan nào có thẩm quyền quyết định việc chuyển giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở ĐVHC bị giải thể.

Ở nước ta, chính quyền địa phương được tổ chức theo ĐVHC. Khi một ĐVHC bị giải thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị đó về nguyên tắc cũng chấm dứt hoạt động. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị, khi quyết định giải thể 03 xã của huyện đảo Lý Sơn để tổ chức theo mô hình không có ĐVHC cấp xã trực thuộc, trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đồng thời quy định việc chấm dứt hoạt động của chính quyền địa phương (HĐND và UBND) ở 3 xã này và chuyển giao các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở 3 xã cho chính quyền huyện đảo Lý Sơn.

Quy định như vậy là phù hợp với thực tế và có cơ sở. Hiện tại, một số luật như Luật Trưng cầu ý dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên và một số văn bản khác đã quy định đối với huyện không có ĐVHC xã, thị trấn thì do UBND huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật giao cho cấp xã. Đồng thời, tại Nghị định số 61/2018/NĐCP ngày 23/4/2018 của Chính phủ cũng quy định đối với các thủ tục hành chính mà pháp luật quy định do cấp xã thực hiện (hộ tịch, hộ khẩu,…) thì sẽ do Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng huyện tiến hành. Vì vậy, khi giải thể các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, việc quản lý nhà nước và thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân vẫn được bảo đảm theo quy định của pháp luật.  

Về thời điểm thực hiện giải thể ĐVHC, do pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc chấm dứt hoạt động của HĐND trong trường hợp ĐVHC bị giải thể nên trong Ủy ban Pháp luật còn có ý kiến khác nhau như sau:

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề nghị của Chính phủ quy định thời điểm thực hiện giải thể 03 xã của huyện đảo Lý Sơn từ ngày 01/02/2020 (ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực) để tỉnh Quảng Ngãi tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, chuyển giao các nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền huyện đảo.


Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi có hiệu lực từ ngày 01/02/2020. Riêng đối với trường hợp giải thể 03 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình thuộc huyện đảo Lý Sơn thì thực hiện từ ngày bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để chính quyền địa phương ở 03 xã này vẫn hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Quy định như loại ý kiến thứ nhất có ưu điểm là bảo đảm tính đồng bộ về hiệu lực trong việc triển khai Nghị quyết về sắp xếp, giải thể các ĐVHC trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; không gây tâm lý băn khoăn, so sánh giữa cán bộ, công chức và người dân ở các địa phương trong thực hiện sắp xếp. Trong thời gian tới, trên địa bàn huyện chỉ tổ chức Đại hội đảng bộ ở huyện. Tuy nhiên, nếu theo loại ý kiến này thì phải tuyên bố chấm dứt hoạt động của HĐND ở 03 xã, trong khi đó, đây là cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ đại diện của người dân.  

Quy định như loại ý kiến thứ hai có ưu điểm là không phải tuyên bố chấm dứt hoạt động của HĐND mà cơ quan này sẽ hoàn thành nhiệm vụ khi hết nhiệm kỳ (vào ngày bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021- 2026). Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian giải thể sau khi Nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật dễ dẫn đến tâm lý không yên tâm công tác trong đội ngũ cán bộ, công chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp. Đồng thời, trong thời gian tới, trên địa bàn vẫn phải tổ chức Đại hội đảng bộ ở cấp cơ sở để bầu ra Ban Chấp hành, cấp ủy nhưng chỉ duy trì đến ngày bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021- 2026.

Do còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Pháp luật đã tiến hành biểu quyết về nội dung nêu trên. Kết quả có đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất; một số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ hai. Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh