ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM HỌP PHIÊN THỨ HAI

06/12/2019

Sáng ngày 06/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” họp phiên thứ hai.

Tham dự phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát sát; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng Đoàn giám sát; Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Lê Thị Thu Hà cùng các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các cơ quan, ban ngành hữu quan.

Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” họp phiên thứ hai

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và Kế hoạch của Đoàn giám sát, thời gian qua, Đoàn giám sát đã thành lập 03 Đoàn công tác đi giám sát tại 17 địa phương. Trong thời gian ngắn, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương trách nhiệm, các Đoàn công tác đã đến làm việc tại các trung tâm bảo trợ, cơ sở giáo dục, trường học, trường giáo dưỡng, làm việc với lãnh đạo các xã phường, quận huyện, tỉnh thành. Tại phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ xem xét các kết quả giám sát thực tế của các Đoàn công tác, qua đó thấy được tình hình triển khai, những hạn chế, bất cập, nguyên nhân; trao đổi thảo luận về nội dung báo cáo chung của Đoàn giám sát, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới, nội dung cho buổi làm việc với Chính phủ, các Bộ ngành, việc tổ chức các hội nghị, tọa đàm chuyên đề.

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 01, Phó trưởng Đoàn công tác số 01, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết qua giám sát tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh nổi lên một số vấn đề như tình hình xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao trong các vụ việc xâm hại trẻ em. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích, ruột thịt, người quen, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em. Trong khi đó, tại hầu hết các địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em theo quy định, rất ít địa phương ban hành văn bản chuyên biệt về phòng, chống xâm hại trẻ em.

 Phó trưởng Đoàn công tác số 01, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 01

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, có sự buông lỏng hoặc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với trẻ em tại một vài địa bàn. Việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại trong một số trường hợp chưa kịp thời, có trường hợp không được hỗ trợ. Vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được phát huy đúng mức do thiếu cơ chế huy động các tổ chức tham gia. Cùng với đó là sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên một số địa bàn chưa chặt chẽ, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tán thành với nhiều đánh giá chung tình hình của Đoàn công tác số 01, Trưởng Đoàn công tác số 02, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, qua giám sát tại Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk và thành phố Đà Nẵng cho thấy giai đoạn 2015-2019 chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, công tác thống kê số liệu về trẻ em hầu như chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, dẫn tới tình trạng có địa phương không thống kê và đánh giá được tình hình.

Trưởng Đoàn công tác số 02, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 02

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Đoàn giám sát cần có trao đổi, làm rõ với Chính phủ, các bộ, ngành trước thực tế ở hầu hết các địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em. Cũng như làm rõ trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ, trách nhiệm hướng dẫn của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với những hạn chế trong công tác ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành chức năng tại các địa phương.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với kết quả báo cáo giám sát của các Đoàn công tác và cho rằng cần thiết tổ chức thêm các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề để Đoàn giám sát có thêm thông tin trong đánh giá cũng như đề xuất kiến nghị. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng báo cáo của Đoàn giám sát cần có thêm nội dung về dự báo tình hình trong thời gian tới như tình hình lao động, di cư, ..ảnh hưởng đến tình hình xâm hại trẻ em; có thêm đánh giá các mô hình triển khai hiệu quả. Cần có đánh giá sâu sắc hơn và đề xuất giải pháp vĩ mô từ việc làm, dạy nghề đến bố trí khu vui chơi trong quy hoạch, xây dựng- từ đó cho thấy có thực sự quan tâm đầu tư xây dựng môi trường an toàn lành mạnh, chỉ số an toàn trong xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh…

Thoe Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, nếu các giải pháp chỉ tập trung cho ngành lao động thương binh xã hội là không thể giải quyết vấn đề bởi công tác phòng, chống xâm hại trẻ em chủ yếu gắn với cộng đồng, đoàn thể, nên cần có giải pháp tổng thể.

Bên cạnh đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ đề nghị lưu ý đến việc báo cáo số liệu tình hình của các địa phương còn thiếu chính xác, điều này phản ánh sự thiếu quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tại các địa phương nghị quyết chuyên đề về bảo vệ trẻ em là gần như không có, nếu có liên quan thì lại khoán hết cho lao động thương binh xã hội – trong khi đây chỉ là một mảng không bao quát hết được vấn đề, các ngành công an, kiểm sát, tòa án không có sự phối hợp, nhiều lãnh đạo địa phương không nắm được tình hình.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận thời gian qua, Đoàn giám sát đã khẩn trương triển khai thực hiện đúng kế hoạch, trực tiếp làm việc với các địa phương, cơ sở để có đánh giá toàn diện tình hình.

Tán thành với các ý kiến phát biểu về các công việc thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị chuẩn bị lại các báo cáo của các Đoàn công tác, đề nghị các địa phương, cơ quan gửi báo cáo để có cơ sở xây dựng báo cáo chung của Đoàn giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý báo cáo chung cần có đánh giá tương đối khách quan tình hình xâm hại trẻ em ở các địa phương trong cả nước, tình hình trẻ em các hình thức xâm hại, đối tượng bị xâm hại, tính chất mức độ diễn biến, hậu quả, nêu các vụ nổi cộm, phân tích để đưa ra kiến nghị. Báo cáo cũng cần có phân tích về việc xây dựng chính sách pháp luật, thống kê để cho thấy công tác chỉ đạo điều hành đã bám sát yêu cầu, các văn bản ban hành đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đánh giá được việc tổ chức thực hiện, vai trò của các cơ quan, chủ thể liên quan. Đồng thời, rút ra được những nguyên nhân chính, cơ bản của tình hình và rút ra bài học kinh nghiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên họp

Phó Chủ  tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng tán thành với việc cần phải tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về giải pháp, công tác tư pháp, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trên cơ sở đó có thêm thông tin cho Đoàn giám sát phân tích, kiến nghị, đề xuất giải pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thời gian hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hôi là tương đối gấp rút, đề nghị các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh