Toàn cảnh Phiên họp
Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều phiên thảo luận với trách nhiệm cao, giao cho việc phối hợp với cơ quan soạn thảo chuẩn bị tiếp các nội dung liên quan. Với yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến của các đối tượng được thụ hưởng chính sách của bộ luật này và các nội dung liên quan đến chính sách hiện hành cũng như trong tương lai đã được dự báo và thảo luận, rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan, câu chữ và kỹ thuật văn bản. Đến nay, còn 3 vấn đề lớn cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tiếp, đó là : vấn đề tăng khung giờ làm thêm; vấn đề về tăng tuổi nghỉ hưu;
Thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc quan tâm đến vấn đề làm thêm giờ của người lao động. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, năng suất lao động không phải dựa vào sức người mà phải dựa vào sự đổi mới công nghệ trong sản xuất. Khi sản xuất ra một sản phẩm, người ta quan tâm tới tỷ lệ lao động trên một đơn vị sản phẩm, đây chính là thước đo giá trị của sản phẩm đó. Tỷ lệ này, mẫu số thường không thay đổi còn tử số thì thường thay đổi, tỷ lệ lao động trên 1 sản phẩm nếu năng suất của con người nhiều thì đương nhiên là năng suất. Như thế, sản phẩm này khấu hao nhiều lao động thủ công quá, chứng tỏ rằng dây chuyền sản xuất công nghệ này còn lạc hậu chứ không phải hiện đại. Đấy là đánh giá khi cơ cấu tỷ lệ tăng lên. Nếu tỷ lệ lao động hoặc năng suất lao động này giảm đi thì đương nhiên ta hiểu rằng dây chuyền công nghệ này hiện đại. Vì cùng trên một đơn vị sản phẩm, nhưng dây chuyền hiện đại dùng ít lao động, điều đó chứng tỏ rằng các sản phẩm của nhà máy này luôn ổn định và đảm bảo đời sống người lao động. Nếu cho phép tăng giờ, tăng năng suất lên thì đương nhiên các doanh nghiệp sẽ hạn chế việc đổi mới công nghệ, phải dùng sức người. Trong khi chúng ta đang hướng tới một nền công nghiệp 4.0, phải đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là khối giày da, may mặc. Hơn nữa, người lao động trong khối lao động này cũng rất khó khăn, đặc biệt là phụ nữ. Họ không còn thời gian chăm sóc gia đình vì kéo dài giờ làm như vậy. Hiện người lao động đã vất vả, chưa nói nếu tăng thêm 400 giờ lại càng vất vả thêm rất nhiều. Do đó, đề nghị không nên tăng giờ làm. Nếu chúng ta đã không giảm được giờ làm thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành...
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Cũng cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, trong kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần trước phân tích, đánh giá rất kỹ, chúng ta chưa đồng tình với việc mở rộng khung thời gian thoả thuận lao động làm thêm, nếu đồng ý mở rộng khung thời gian thoả thuận làm thêm thì đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới. Đây là lý do là thuyết phục nhất.
Còn về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhất trí với phương án từ năm 2021 trở đi nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Quy trình này làm rất thận trọng, biết được thời gian kết thúc, lộ trình rất từ từ tịnh tiến, trong 1 năm không có gì xáo động lắm, không có tác động gì lớn đến quỹ bảo hiểm, những biến động khác không có gì biến động.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Ủy ban Về các vấn đề xã hội, dưới sự chủ trì, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gom lại còn có 3 vấn đề lớn tập trung thảo luận tại Phiên họp này. Về khung giờ làm thêm, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đa số không muốn tăng thời giờ làm thêm. Tuy nhiên, phương án của Chính phủ lại là tăng giờ làm. Do đó, đề nghị đưa ra Quốc hội 2 phương án: Phương án 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thảo luận; Phương án 2 là của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại Phiên họp
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Chính phủ có cách tiếp cận mới, mở hơn, còn lộ trình sẽ giao Chính phủ; phương án của Chính phủ trình cụ thể hơn, việc làm thế nào để xác định 3 tháng, 4 tháng thì có báo cáo đánh giá. Phương án này rõ ràng, người cán bộ biết được với cách như thế thì năm nào nghỉ hưu, phục vụ cho việc chuẩn bị công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phương án của Chính phủ đưa lên Phương án 1. Còn ý kiến Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề xuất thì đưa vào Phương án 2. Sau đó tiếp tục đưa ra Quốc hội thảo luận để lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về ý kiến: bên cạnh Bộ luật Lao động thì chúng ta còn một số luật chuyên ngành có quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn. Ví dụ như khoản 3 Điều 187 giao Chính phủ quy định những trường hợp nào được làm việc kéo dài thêm; Luật Tổ chức toà án, kiểm sát đã luật hóa một số trường hợp có thể làm việc thêm nhưng không giữ chức vụ, đang là Giáo sư, Phó giáo sư thì thôi chức Viện trưởng, thôi chức Hiệu trưởng... nhưng vẫn được tiếp tục làm giảng dạy và nghiên cứu. Do đó, vấn đề nào mà đã được chứng minh trong thực tiễn đúng đắn thì kỳ họp này cần Luật hóa để giảm bớt các điều, khoản mà Chính phủ phải hướng dẫn.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban về các vấn đề Xã hội cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.