CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ KỸ NĂNG TIẾP XÚC CỬ TRI VÀ CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP

22/08/2019

Sáng 22/8 tại Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tiếp xúc cử tri và kỹ năng chất vấn tại kỳ họp”. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo. Hội thảo diễn ra từ ngày 22-23/8.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đại diện một số đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam; nghị sĩ, đại diện chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các Cơ quan dân cử nói chung và các đại biểu dân cử nói riêng là hoạt động thường xuyên của các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong những năm qua, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam tham gia vào quá trình bồi dưỡng, tăng cường kỹ năng, năng lực cho các Đại biểu dân cử đã có nhiều đổi mới cả về quy trình, thủ tục, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho các đại biểu dân cử vẫn còn những hạn chế nhất định, các đại biểu vẫn cần nhiều hơn nữa hoạt động tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nhất là trong hoạt động tiếp xúc cử tri và kỹ năng tranh luận, chất vấn tại Nghị trường. Việc trao đổi kinh nghiệm cũng không chỉ giới hạn giữa các đại biểu ở các đoàn đại biểu, các địa phương mà cần có sự chia sẻ, trao dổi kinh nghiệm của các thế hệ đại biểu, của nghị sĩ các nước, nhất là các nước trong khu vực. Vì vậy, việc tiếp tục bồi dưỡng năng lực hoạt động cho đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thông qua hình thức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm là vô cùng cần thiết.

 TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu khai mạc hội thảo

Trình bày tham luận về các hình thức tiếp xúc cử tri và chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri, ông Vũ Mão, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định tại các văn bản pháp luật. Tình hình tiếp xúc cử tri trong những năm qua có những đổi mới và cải tiến nhất định nhưng chưa tạo ra được bước đột phá, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu giải quyết. Vì vậy, yêu cầu cấp bách là đổi mới nội dung, cải tiến phương thức tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, cần xây dựng đầy đủ, đồng bộ các văn bản pháp luật với tư duy mới về việc tiếp xúc cử tri.

Phân tích về các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề nghị cần chú trọng nâng cao trình độ, trách nhiệm của đại biểu dân cử; đổi mới cách tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; đổi mới cách tiếp xúc cử tri nơi làm việc, cử tri nơi cư trú và tăng cường các điều kiện hoạt động của đại biểu.

Tại hội thảo, hạ nghị sĩ Cộng hòa liên bang Đức, đại biểu Quốc hội Lào cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri thực tế tại các quốc gia này. Tại Đức, Ông Friedrich Straetmanns đã nêu ra nhiệm vụ của Ủy ban thỉnh cầu, các ví dụ điển hình trong quá trình tiếp xúc cử tri và phân tích sâu hình thức thu thập chữ ký tại Đức về những vấn đề người dân quan tâm.

Hạ Nghị sĩ Cộng hòa Liên bang Đức Friedrich Straetmanns phát biểu tại hội thảo

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri của Lào, đại biểu Quốc hội Lào chia sẻ, các đại biểu luôn cố gắng làm cho người dân hiểu rõ được vai trò, quyền hạn của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chú trọng việc giúp người dân có thể tham gia giám sát các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước và tìm hiểu được ý nguyện, mong muốn của người dân khi tiếp xúc cử tri.  Đại biểu Quốc hội Lào cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ thêm những kinh nghiệm trong việc tiếp xúc cử tri tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; vấn đề giải quyết triệt, hiệu quả để những kiến nghị của cử tri.

Sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung trọng tâm như: kinh nghiệm tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; kinh nghiệm tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; … Đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp xúc cử tri cũng như chất vấn tại hội trường./.

Lê Anh-Lan Hương