CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT TẠO NÊN CHUYỂN BIẾN TRONG NHẬN THỨC VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG

25/07/2019

Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2018”, báo cáo tới đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tạo nên chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về an toàn vệ sinh lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 7

Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, sau khi Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được ban hành, công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và chính quyền địa phương các cấp quan tâm hơn, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người lao động và cộng đồng về ATVSLĐ; hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ngày càng đa dạng, đổi mới bằng các hình thức trực quan, sinh động , nội dung phong phú; tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động làm việc trong môi trường, điều kiện có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN). Hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông ở cả trung ương và địa phương tham gia tích cực công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ, chú trọng phản ánh các mô hình tốt, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có sáng kiến trong lĩnh vực ATVSLĐ qua đó chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phong trào thi đua về ATVSLĐ, đồng thời đưa tin, phản ánh kịp thời, công khai các vụ việc vi phạm, xảy ra TNLĐ. Một số địa phương còn thu hút được sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền đến nhóm lao động không có hợp đồng lao động và ở khu vực phi chính thức.

Từ năm 2017, việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề được xác định rõ theo từng năm đã trở thành đợt cao điểm tuyên truyền về ATVSLĐ, lan tỏa rộng rãi trong cả nước, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động bằng nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, trong khuôn khổ tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ, Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã phát huy vai trò tích cực thông qua việc tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động để kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về thực hiện chính sách ATVSLĐ. Đây là một trong những biện pháp thiết thực nhất thúc đẩy có hiệu quả việc xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả người lao động, người sử dụng lao động về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn TNLĐ, phòng, chống BNN, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động.

Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Một số tồn tại, hạn chế: Công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ mới tác động chủ yếu đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, chưa triển khai sâu rộng được cho nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, các làng nghề truyền thống và nhất là nhóm lao động làm việc không theo hợp đồng lao động do thường xuyên thay đổi việc làm và nơi làm việc. Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp xã chưa coi việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương là nhiệm vụ ưu tiên, cần được đầu tư nguồn lực để thực hiện hằng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 13 và khoản 4 Điều 86 Luật ATVSLĐ. Trong khu vực có quan hệ lao động, còn tình trạng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ATVSLĐ mang tính đối phó, hưởng ứng phong trào.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ còn hạn chế, chưa tương xứng với tính chất là một chính sách quan trọng về phòng ngừa TNLĐ, BNN; có địa phương không bố trí kinh phí tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Việc thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật và tình hình ATVSLĐ bằng các hình thức sử dụng internet, cổng thông tin điện tử theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Tiếp cận thông tin chưa được các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ở địa phương chú trọng nên khả năng tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.

Ngoài ra, vẫn chưa có chế tài xử lý đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm túc trách nhiệm thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ tại nơi làm việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật ATVSLĐ.

Để khắc phục những hạn chế này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các tổ chức đoàn thể để mở rộng nhanh phạm vi tuyên truyền tới người lao động khu vực phi chính thức. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm trực tuyến để tiếp nhận thông tin khai báo TNLĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đối với chính quyền địa phương, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt đối với người lao động ở khu vực phi chính thức. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức công đoàn trong công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là nhóm ngành có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ./.

Hồ Hương

Các bài viết khác