
Toàn cảnh tọa đàm
Thảo luận tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù Chương 3 của dự thảo Luật Thư viện quy định về Hoạt động thư viện đã được sửa lại nhiều so với phiên bản trước, nhưng còn khá sơ sài, chưa làm rõ được các nội dung hoạt động thư viện cần được điều chỉnh. Các đại biểu cho rằng, sự chỉnh sửa của Ban soạn thảo còn mang tính cơ học nhiều hơn và vẫn chưa luật hóa rõ và đầy đủ các nội dung hoạt động thư viện cần thiết để đạt được cái đích tất yếu là hình thành không gian thông tin-thư viện chung và thống nhất trên các qui mô khác nhau.
Theo Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - thư viện, Viện Khoa học Thống kê, Tổng Cục thống kê Nguyễn Thị Đông, nội dung hoạt động thư viện cần phải được đầu tư biên soạn lại kỹ lưỡng hơn, tập trung vào luật hóa các nội dung có liên quan tới hiện đại hóa hoạt động thư viện. Kết cấu các điều khoản tập trung vào 2 yếu tố cấu thành thư viện trên tư cách là một hệ thống, đó là tài nguyên thông tin và cơ sở vật chất-kỹ thuật. Vì yếu tố con người (người dùng tin và nhân lực thư viện) đã được điều tiết ở Chương 4.
Đối với yếu tố “Tài nguyên thông tin”, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần tập hợp bao quát đầy đủ các vấn đề và luật hóa khái quát vào các điều, khoản có liên quan tới việc triển khai hoạt động nghiệp vụ của thư viện trong việc tạo lập và phát triển tài nguyên thông tin hướng vào mục đích cuối cùng là tạo lập không gian thông tin-thư viện chung và thống nhất trên phạm vi quốc gia cho chia sẻ và dùng chung nguồn lực như: bổ sung; xử lý tài liệu và tổ chức bộ máy tra cứu; lưu giữ và bảo quản tài nguyên thông tin; cung cấp và phổ biến thông tin (thông qua các sản phẩm và dịch vụ thông tin-thư viện có thu và miến phí). Ở đây cần xác định xem cần có các điều khoản điều tiết nào cụ thể để đảm bảo kết quả cuối cùng đạt được của hoạt động nghiệp vụ thư viện là xây dựng được tài nguyên thông tin gắn với chức năng nhiệm vụ được giao của thư viện trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn nghiệp vụ và chuẩn công nghệ thông tin để đảm bảo khả năng có thể tích hợp được vào mạng liên kết chung của hệ thống thư viện có cùng chức năng, nhằm mục đích chia sẻ và dùng chung nguồn lực với hiệu quả và chất lượng cao nhất có thể.

Các đại biểu tại tọa đàm
Việc chuẩn hóa đối với việc đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật cho thư viện, việc triển khai xử lý tài liệu và tổ chức bộ máy tra cứu, việc tổ chức kho lưu giữ và bảo quản tài liệu (kho vật lý và khô nội dung), cũng như việc tạo lập và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thư viện (kể cả đối với thư viện số) phải được viện dẫn bởi các tiêu chuẩn nghiệp vụ và công nghệ nào cụ thể, nhằm thống nhất xây dựng nguồn lực thông tin, đảm bảo khả năng tích hợp và khai thác liên thông giữa các mạng lưới thư viện, cũng như khả năng tích hợp vào hệ thống thông tin quốc gia cho khai thác chung trên phạm vi cả nước.
Đồng thời cần chính xác hóa ngôn từ được sử dụng. Cụ thể, trong Điều 22 về Nguyên tắc hoạt động của thư viện, cần xem lại ngữ pháp tiếng Việt và tính logic của nội dung.
Bên cạnh đó, trong Điều 23 về Phát triển tài nguyên thông tin, các đại biểu đề nghị cần luật hóa cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm của chủ thể thực hiện và vấn đề tài chính đối với việc xây dựng tài nguyên thông tin, đặc biệt là đối với việc bổ sung tài liệu số, tài liệu số hóa. Điểm b và d trong Khoản 1 cần chỉ rõ theo quy định của pháp luật nào cụ thể? Cần bổ sung các quy định về kiểm kê tài nguyên thông tin vào Khoản 2.
Tại Điều 24 về Xử lý và bảo quản tài nguyên thông tin, các đại biểu cho rằng, ở đây đang có sự lắp ghép cơ học vì đó là hai hoạt động nghiệp vụ mà khi thực hiện đòi hỏi phải tuân thủ các yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ khác biệt nhau. Đồng thời tên của Điều 24 cũng cần phải xem lại về mặt ngữ nghĩa và khoa học. Không thể có hành động xử lý mà không chỉ rõ xử lý cái gì, lại càng không thể là xử lý tài nguyên thông tin được vì trong thành phần tài nguyên thông tin gồm các loại hình tài liệu khác nhau đòi hỏi phải tuân thủ các yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ xử lý khác nhau. Theo các đại biểu, tên của Điều 24 trong Dự án Luật cần chính xác hóa là Xử lý tài liệu (chứ không phải là Xử lý tài nguyên thông tin), vì các tài liệu sau khi được bổ sung vào thư viện được xử lý để trở thành tài nguyên thông tin của thư viện. Hơn nữa, Điều 24 cũng chưa làm rõ được các yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ trong quá trình xử lý tài liệu và trong tổ chức bộ máy tra cứu thông tin để đảm bảo sự tương thích trong liên thông chia sẻ dùng chung tài nguyên thông tin, cũng như để tích hợp vào không gian thông tin-thư viện chung của cả nước. Ở đây có sự cắt xén cơ học so với Điều 15 của phiên bản cũ.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm
Cũng tại Khoản 2 về Bảo quản tài nguyên thông tin thuộc Điều 24 trong dự thảo Luật, các đại biểu cũng chỉ rõ, đang còn thiếu các quy định cụ thể trong đảm bảo các yêu cầu về mặt vật lý và công nghệ đối với việc bảo quản tài nguyên thông tin, cũng như các qui định về đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình lưu giữ, bảo quản, khai thác và sử dụng. Hơn nữa, Điểm c và d có sự trùng lặp về hình thức bảo quản, vì sự sao lưu định kỳ tài nguyên thông tin và khôi phục dữ liệu chính là hình thức bảo quản dự phòng và bảo quản phục chế và cũng có sự cắt xén cơ học so với Điều 16 của phiên bản cũ.
Trong Điều 25 về Tạo lập và cung cấp sản phẩm và dịch vụ thư viện, một số đại biểu cho rằng, quy định ở Điều này đang thiếu cụ thể và rõ ràng, thậm chí thiếu giá trị quy phạm pháp luật, bởi chỉ quy định chung chung về tạo lập và cung cấp sản phẩm và dịch vụ thư viện, cũng như chỉ liệt kê các loại hình sản phẩm và dịch vụ thư viện. Trong khi đó, cần luật hóa cụ thể các yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ trong quá trình tạo lập và cung cấp sản phẩm và dịch vụ thư viện, đặc biệt là các sản phẩm và dịch vụ thư viện hiện đại để có thể liên thông thư viện cho chia sẻ và dùng chung. Đồng thời, thiếu các điều khoản quy định về giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ thư viện để làm căn cứ cho xác định giá và mức lệ phí đối với các sản phẩm và dịch vụ thư viện có thu và cũng có sự cắt xén cơ học so với Điều 17 của phiên bản cũ.
Bên cạnh đó, Điều 26 về Liên thông thư viện cũng giống như Điều 25 đang thiếu giá trị quy phạm pháp luật bởi chỉ liệt kê các hoạt động và hình thức liên thông. Trong khi đó cần quy định rõ cơ chế và chính sách cho hợp tác liên kết chia sẻ dùng chung nguồn lực (tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ thư viện, cơ sở vật chất-kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin …) trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả nguồn ngân sách được đầu tư của các thư viện trong cùng hệ thống, giữa các hệ thống thư viện với nhau, giữa hệ thống thư viện với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong xây dựng và chia sẻ dùng chung nguồn lực.
Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần luật hóa cụ thể về vai trò, trách nhiệm và nội dung liên thông của của các thư viện thành viên tham gia, cũng như trách nhiệm cam kết của lãnh đạo các thư viện thành viên tham gia trong suốt quá trình hoạt động liên thông, chứ không nên chỉ liệt kê chi tiết nội dung và hình thức liên thông. Đồng thời, cần luật hóa cụ thể về vai trò và trách nhiệm của thư viện trung tâm (đầu mối) mạng lưới liên thông trong quá trình đáp ứng nhu cầu tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin của người dùng thuộc mạng lưới liên thông, có các qui định cụ thể đối với người dùng không thuộc mạng lưới liên thông mà có nhu cầu tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin của mạng lưới. Đặc biệt là phải luật hóa cụ thể trách nhiệm cam kết của người có thẩm quyền quản lý và điều hành mạng lưới liên thông thư viện trong quá trình chia sẻ và dùng chung nguồn lực giữa các thư viện trong cùng một hệ thống; giữa các hệ thống thư viện với nhau; giữa hệ thống thư viện với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan./