ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN: BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN ĐỂ XEM XÉT TÁCH RIÊNG DỰ ÁN BỒI THƯỜNG TÁI ĐỊNH CƯ, TRÁNH VIỆC ÁP DỤNG TÙY TIỆN

28/06/2019

Cho ý kiến tại phiên thảo luận toàn thể về Dư án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Bá Sơn- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng quan tâm đến các vấn đề về xem xét tách riêng dự án bồi thường tái định cư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và đánh giá tác động môi trường, .

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn cho ý kiến

Về việc tách riêng công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu rõ, tại khoản 1 Điều 5 dự thảo đã bổ sung quy định trường hợp cần thiết tách riêng dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng độc lập và thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội đối với dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền. Điều này thể hiện sự đổi mới khá tích cực, phù hợp đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong hoạt động đầu tư công thời gian qua. Tuy nhiên đề nghị mở rộng phạm vi đối với việc cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc tách riêng các dự án đối với một số dự án nhóm B và C. Vì trên thực tế, ở các địa phương quy mô và số lượng dự án nhóm B, C là khá lớn, nhiều dự án nhóm này ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và cần sớm giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án và tạo quỹ đất công. Nhiều dự án đầu tư chậm chủ yếu do liên quan đến chậm chễ trong giải phóng mặt bằng vì công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thường xuyên gặp khó khăn vướng mắc, phát sinh, tốn nhiều thời gian làm chậm tiến độ dự án và công tác giải ngân hàng năm. Vì vậy, bổ sung quy định nêu trên là cần thiết và tăng tính chủ động trong triển khai dự án, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cao hiệu quả đầu tư công. Trong trường hợp cần thiết, có thể nghiên cứu bổ sung một số điều kiện để xem xét tách riêng dự án bồi thường tái định cư để tránh việc áp dụng tùy tiện. Tôi cho rằng đây là nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các địa phương.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tại Điều 35 dự thảo quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng dự án không quy định trường hợp nào được phép điều chỉnh chủ trương đầu tư. Khoản 5 Điều 43 dự thảo quy định trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Chương trình dự án phải thực hiện các thủ tục, trình tự quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định dự án. Quy định này được hiểu việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư chỉ thực hiện trong trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn hơn tổng mức đầu tư ban đầu, mọi điều chỉnh khác về mục tiêu dự án, quy mô, thời gian, tiến độ không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thực tế, thực trạng điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được thực hiện nhiều lần đối với một dự án như kết quả giám sát của Đoàn Giám sát đất đai của Quốc hội vừa nêu. Điều này làm thay đổi tính chất, quy mô của dự án, thậm chí không đúng mục tiêu dự án ban đầu đề ra, do đó cần quy định trường hợp nào được phép điều chỉnh, tránh tình trạng điều chỉnh tùy tiện, liên tục đã xảy ra trong thời gian qua. Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định khống chế tỷ lệ tăng mức vốn đầu tư để thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, ví dụ: không quá 20% tổng mức đầu tư ban đầu, tránh tình trạng có những dự án sau nhiều lần điều chỉnh, tăng lên nhiều lần, thậm chí trăm lần.

Đối với vấn đề đánh giá tác động môi trường, điểm g khoản 2 Điều 30 dự thảo quy định một trong những nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi là phân tích, đánh giá sơ bộ tác động môi trường do Chính phủ quy định chi tiết đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Trên cơ sở điểm O khoản 2 Điều này sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường là: Quyết định đầu tư đối với đối tượng quy định tại Điều 18 Luật này, đối với trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền căn cứ báo cáo sơ bộ đánh giá tác động môi trường để quyết định chủ trương đầu tư đối với các đối tượng được quy định tại Điều 18 luật này, Chính phủ quy định chi tiết đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Việc sửa đổi nội dung trên xuất phát từ thực tế mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường trong vấn đề phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, việc sửa đổi nội dung này như dự thảo giao cho Chính phủ quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường chưa triệt để, không phù hợp quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bởi nội dung đánh giá tác động môi trường thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường, do đó phải quy định trong hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc sửa đổi vấn đề này không chỉ trong luật này mà phải sửa đổi cả Luật Đầu tư, khi đó Luật Đầu tư không thể bổ sung một nội dung sửa đổi tương tự luật này. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường theo hướng bổ sung quy định về đánh giá tác động môi trường./.

Hồ Hương