Toàn cảnh tọa đàm
Tham dự tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và giáo dục, đào tạo.
Hầu hết ý kiến các đại biểu tại tọa đàm đều nhất trí cho rằng, thời gian qua, trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo cả nước đã có nhiều chuyển biến, đạt nhiều thành tựu nhất định: nếp sống người dân văn minh, hiện đại; quyền con người, quyền tự do được tôn trọng; an sinh xã hội được tăng cường; sự quan tâm đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được nâng lên; nhu cầu hưởng thụ văn hóa, học tập thường xuyên, suốt đời, rèn luyện sức khỏe của người dân ngày càng tăng; di sản văn hóa được tu bổ, bảo tồn và phát huy…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế như: tư duy, năng lực quản lý, phát triển giáo dục và đào tạo chậm đổi mới, đầu tư cho giáo dục còn hạn chế và kém hiệu quả… Trong lĩnh vực văn hóa ngày càng xuất hiện biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống xã hội, môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, thiếu các tác phẩm có giá trị cao về về tư tưởng, nghệ thuật, xuất hiện sự lệch chuẩn văn hóa…
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm
Góp ý kiến xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030, các đại biểu cho rằng, thời gian tới chúng ta cần nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người vì sức khỏe cộng đồng; xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng công đồng các dân tộc Việt Nam. Chú trọng phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa; xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng cho văn hóa nghệ thuật, xây dựng các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, hạ tầng văn hóa và các thiết chế đồng bộ.
Bên cạnh đó, Đảng ta cần phải có những đột phá trong lãnh đạo các hoạt động xã hội như văn hóa, thể thao. Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi cần có sự đổi mới trong quan điểm chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm tạo ra những đột phá mới, tạo điều kiện để văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo phát triển, góp phần xây dựng con người đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước.