Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); cho rằng các nội dung của dự thảo luật đã tiếp thu được tối đa các ý kiến góp ý từ phiên họp trước, bám sát các Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa hơn nữa các nội dung quy định của dự thảo Luật.
Quan tâm đến nội dung quy định về sách giáo khoa, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhận định, đây là vấn đề lớn, có nhiều sự quan tâm của các đại biểu và cử tri cả nước. Hiện nay vấn đề sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua đang gây phản ứng không tốt trong xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định mỗi một môn học đều có một hoặc một số sách giáo khoa và cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh cũng gây nhiều băn khoăn trong dư luận...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập (đối với giáo dục mầm non) và trường tư thục
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, hiện nay vấn đề sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua đang gây phản ứng không tốt trong xã hội
Cùng ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: Quy định này liệu có làm phát sinh xu hướng “chạy” để được sách giáo khoa của mình được địa phương chọn
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất, nên xây dựng một bộ sách giáo khoa chính thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các chuyên gia, các tổ chức xã hội… có thể tham gia biên soạn các loại sách tham khảo theo đúng tinh thần xã hội hóa, để người học lựa chọn
Trưởng ban Dân nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Kết luận nội dung lthảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa trước khi thảo luận các nội dung lớn của dự thảo Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 04/4 tới.