Cụ thể, Trong thời gian qua, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đồng Nai, Hậu Giang, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hải Dương, Bình Định, Long An, Lâm Đồng,…gửi tới các kỳ họp của Quốc hội , phản ánh về tình hình tai nạn giao thông gia tăng và có diễn biến ngày càng phức tạp.
Tiếp thu các kiến nghị này, tại Báo cáo số 340/BC-UBTVQH14 ngày 25 tháng 10 năm 2018 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2018) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ: “Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế tai nạn giao thông, nhưng kết quả cho thấy còn nhiều hạn chế ,... Cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá tìm ra những giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ hơn để kiềm chế TNGT”; tại Điểm 5, Mục 6.2 của Báo cáo cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành về việc“Rà soát các điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đề ra giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa không để xảy ra các trường hợp mất an toàn giao thông như thời gian vừa qua”.
Mặc dù, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, biện pháp quản lý để từng bước kiềm chế tai nạn giao thông, tuy nhiên theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt qua phản ánh của cử tri gửi tới Ban Dân nguyện trong tháng 12/2018 và đầu tháng 01/2019 cho thấy, tình hình tai nạn giao thông vẫn chưa được kiềm chế hiệu quả, tai nạn giao thông thường tăng rất mạnh trong mỗi kỳ nghỉ lễ, tết ; đặc biệt, trong hơn một tháng qua, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện (người lái xe container, lái xe khách, lái xe đường dài,...) sử dụng chất ma túy, rượu bia, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ làm cử tri hoang mang, lo lắng khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, theo phản ánh của cử tri, còn có hiện tượng người vận tải và người lái xe ô tô vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thời gian làm việc của người lái xe ô tô đã được quy định tại Điều 65, Luật Giao thông đường bộ nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý (chẳng hạn như người lái xe khách, lái xe đường dài, lái xe container,... thường lái xe để vận chuyển hàng hóa, hành khách trong suốt nhiều giờ liên tục mà không được nghỉ, nhưng ít bị kiểm tra, xử lý).
Tại thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, trước thực tiễn như đã nêu ở trên, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành, Ban Dân nguyện trân trọng kính đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị:
1. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, tuyên truyền vận động, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ (đặc biệt là Điều 8 và Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ);
2. Tiến hành tổng rà soát việc quản lý sử dụng các phương tiện vận tải cũng như việc thực hiện quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô đối với người lái xe container, lái xe khách, lái xe đường dài,...và các doanh nghiệp vận tải;
3. Có biện pháp thanh tra, kiểm tra hiệu quả đối với các cơ sở đào tạo lái xe; công tác tuyển dụng lái xe, quản lý hồ sơ sức khỏe của lái xe tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải,...
4. Kịp thời nghiên cứu, đề xuất các chế tài xử lý đối với các vi phạm theo hướng tăng khung xử phạt để đảm bảo tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật;
5. Cung cấp đường dây nóng (trước và trong dịp Tết Nguyên đán) để người dân kịp thời phản ánh những vi phạm của lái xe, doanh nghiệp vận tải, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.