VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP: TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2018

28/12/2018

Tại hội nghị kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp và tổng kết công tác năm 2018 được tổ chức tại trụ sở Văn phòng Quốc hội vào sáng 28/12, Viện Nghiên cứu lập pháp dự kiến chương trình công tác năm 2019 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm trên tinh thần đổi mới toàn diện.

Toàn cảnh Hội nghị kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp và tổng kết công tác năm 2018

Báo cáo công tác năm 2018, TS. Lê Hải Đường Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, năm 2018, Viện đã tập trung triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Công tác nghiên cứu khoa học

Năm 2018, trên cơ sở Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Viện nghiên cứu được 24 chuyên đề nghiên cứu khoa học, 26 chuyên đề thông tin khoa học phục vụ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và 6; phục vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thường kỳ và theo yêu cầu đóng góp ý kiến vào dự án Luật của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các chuyên đề đã được rà soát, thẩm định qua nhiều cấp xét duyệt. Tất cả ý kiến góp ý, yêu cầu chỉnh sửa ở từng cấp đều đã được Viện nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện, bảo đảm chuyên đề cung cấp có chất lượng, tính thời sự, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện nghiên cứu thông qua việc tổ chức Hội thảo, Tọa đàm. Năm 2018, Viện đã triển khai hợp tác với: Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Quỹ Rosa Luxemburg  của Cộng hòa liên ban Đức tổ chức 06 hội thảo, như: Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)”; Hội thảo “Những điểm mới của bộ luật hình sự năm 2015; Hội thảo “Quy định của pháp luật về Hợp đồng lao động: những vấn đề lý luận và thực tiễn”,....

Ngoài ra, Viện còn chủ trì, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, buổi sinh hoạt khoa học. Đây là những hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai nghiên cứu năm 2018 của các Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ. Năm 2018, cán bộ, công chức, viên chức của Viện đã trực tiếp làm chủ nhiệm, triển khai nghiên cứu và đã nghiệm thu chính thức 05 đề tài khoa học cấp bộ; 18 đề tài khoa học cấp. Năm 2018, cán bộ, công chức, viên chức của Viện đã trực tiếp làm chủ nhiệm, triển khai nghiên cứu và đã nghiệm thu chính thức 05 đề tài khoa học cấp bộ; 18 đề tài khoa học cấp cơ sở.

Cũng trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện đã Hợp tác với Quỹ Rosa Luxemburg xuất bản 02 sách, gồm: Sách “Pháp luật phòng chống tham nhũng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” (đã tái bản 01 lần); và Sách “Lao động, việc làm, công đoàn, an sinh xã hội – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Công tác thông tin, thư viện, cập nhật cơ sở dữ liệu

Ngoài việc biên soạn các chuyên đề phục vụ kỳ họp, Viện vẫn duy trì việc tiếp nhận và trả lời theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội ở cả trong và ngoài kỳ họp. Trong kỳ họp Quốc hội và tại các phiên họp của UBTVQH, Viện đã phân công cán bộ tham dự kỳ họp/phiên họp để nắm bắt kịp thời những vấn đề mới, những vấn đề đang được ĐBQH quan tâm. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiên cứu bổ sung, nhanh chóng cung cấp thông tin hỗ trợ ĐBQH. Cùng với việc bám sát hoạt động tại kỳ họp/phiên họp, Viện đã cử cán bộ tham dự các cuộc họp thẩm tra dự án Luật do HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; cử chuyên viên tham gia gỡ băng ghi âm các buổi thảo luận ở tổ của ĐBQH trong kỳ họp. Các yêu cầu của ĐBQH đã được Viện xử lý kịp thời, bảo đảm về thời gian và chất lượng, góp phần hỗ trợ ĐBQH cho ý kiến vào dự án luật và các hoạt động khác của Quốc hội.

Công tác biên tập, xuất bản Tạp chí

Năm 2018, đã xuất bản 24 số Tạp chí, tất cả bài viết đã đăng đều bảo đảm có nội dung bám sát Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, UBTVQH; bảo đảm phục vụ tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, dự án Luật và các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Để bảo đảm chất lượng bài viết đăng trên Tạp chí, Tạp chí đã sàng lọc, liên hệ và trao đổi trước với chuyên gia viết bài để định hướng về nội dung, bảo đảm bài viết đáp ứng được chủ đề của từng số Tạp chí (trung bình 30 bài/tháng). Theo thống kê, đến tháng 11/2018, Tạp chí đã tiếp nhận được hơn 400 bài viết của các tác giả ở trong và ngoài nước. Trong số đó, đã ghi nhận sự tham gia viết bài của những tác giả là cán bộ, công chức, viên chức của Viện. Trong bối cảnh phải cạnh tranh với 43 Tạp chí khoa học khác trong lĩnh vực nghiên cứu về pháp luật, việc có được ngân hàng bài viết phong phú, cùng với liên tục mở rộng được đối tượng cộng tác viên như hiện nay đã khẳng định được vị trí, uy tín và tầm ảnh hưởng của Tạp chí trước độc giả.

Công tác quản lý khoa học

Năm 2018, Viện tổ chức Hội đồng tư vấn tuyển chọn cho 29 đề tài cấp bộ và 09 đề tài cấp cơ sở; tiến hành thẩm định sản phẩm trung gian của 15 đề tài cấp bộ 2016-2017; sản phẩm trung gian của một số đề tài cấp bộ 2017-2019; sản phẩm trung gian của 28 đề tài cấp cơ sở 2017-2018; đến tháng 11/2018, Viện đã tổ chức nghiệm thu chính thức đối với 13 đề tài khoa học cấp bộ; 24 đề tài khoa học cấp cơ sở; thực hiện thanh lý và quyết toán đối với 15 đề tài cơ sở và 05 đề tài cấp bộ. Viện đã thực hiện các giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý; tăng cường chất lượng các Hội đồng nghiệm thu, việc thanh quyết toán đề tài có bước đổi mới, gắn với tăng cường trách nhiệm của Chủ nhiệm đề tài và các đơn vị chức năng trong công tác quản lý.

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp trình bày Báo cáo công tác năm 2018 và dự kiến chương trình năm 2019 

Năm 2018, Viện đã cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao. Tập thể lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong Viện đề cao ý thức và trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong xử lý công việc. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Viện còn đang tồn tại một số hạn chế như: Sản phẩm nghiên cứu chưa phong phú, đa dạng; Một số đề tài nghiên cứu thiên về giải quyết những vấn đề cụ thể, mang tính kỹ thuật hơn là nghiên cứu các vấn đề cốt lõi, thuộc về bản chất của những thách thức đang đặt ra đối với Quốc hội hiện nay; Kết quả nghiên cứu chưa được kịp thời phổ biến và đăng tải trên các Tạp chí chuyên ngành; ....

Trên cơ sở nhận định, phân tích rõ những nguyên nhân của bất cập, hạn chế năm 2018 và  dự kiến chương trình hoạt động của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2019, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao Viện Nghiên cứu lập pháp dự kiến chương trình công tác năm 2019 sẽ tập trung vào tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ hoạt động của Viện; tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác và đổi mới công tác trên các mảng lĩnh vực (công tác nghiên cứu khoa học; thông tin, thư viện, cập nhật cơ sở dữ liệu; Công tác biên tập, xuất bản Tạp chí;....).

Để thực hiện tốt kế hoạch công tác đề ra trong năm 2019, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng đề nghị lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Cũng tại hội nghị, TS. Bùi Hải Thiêm, Phó chủ tịch Công đoàn Viện Nghiên cứu lập pháp, trình bày báo cáo công tác tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 của Khối thi đua VI và công bố kết quả thi đua, khen thưởng năm 2018.

 

Lê Anh