Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội
Ban Chủ nhiệm đã tổ chức các đợt sinh hoạt theo hình thức nhóm chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2017, Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội đã góp ý vào các dự án Luật Thủy lợi; dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); góp ý vào Dự án Luật phòng, chống tham nhũng; chuyên đề về một số vấn đề xây dựng cơ bản liên quan đến Luật Đất đai năm 2013 và chuyên đề về Những bất cập của Luật Đất đai năm 2013. Trong năm 2018, Ban chủ nhiệm tiếp tục tổ chức các nhóm chuyên gia của Câu lạc bộ tham gia vào Dự thảo Luật về Hội; Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và chuyên đề Hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội.
Về Dự án Luật Thủy lợi, Câu lạc bộ đã đưa ra 6 kiến nghị:
- Đưa vào Luật Thủy lợi Vai trò của nước ngọt đối với sản xuất và đời sống và Vai trò quản lý nhà nước về nước ngọt;
- Vấn đề điều tra cơ bản thủy lợi, phục vụ quy hoạch để xây dựng chiến lược phát triển thủy lợi.
- Quy hoạch thủy lợi phải có tầm nhìn tới 50 năm sau;
- Nguyên tắc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong đó nhấn mạnh phải coi sản phẩm nước khi đã vào công trình thủy lợi là sản phẩm hàng hóa;
- Tiến hành dịch vụ nước theo cơ chế kinh tế thị trường, đồng thời có lộ trình giảm dần mức hỗ trợ (bao cấp) nước thủy lợi cho tới khi chấm dứt bao cấp;
- Trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.
Về Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Câu lạc bộ đã phân tích, đánh giá các văn bản trong hồ sơ dự án và đưa ra các kiến nghị, trong đó:
- Về đối tượng áp dụng: Hiện tại có hơn 98,2% doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy có nhất thiết phải ban hành luật để hỗ trợ tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp hiện có hay không? Và nếu hỗ trợ thì tiêu chí hỗ trợ thế nào để hỗ trợ đúng chỗ cần hỗ trợ.
- Về nguyên tắc hỗ trợ: Không nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn đấu tư nước ngoài, vì họ đã đến Việt Nam kinh doanh thì họ đã tính toán kỹ các yếu tố thị trường, công nghệ và cốn cùng nhiều yếu tố khác.
- Phải quy định các điều kiện để hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
- Các chính sách hỗ trợ, chỉ nên tập trung vào 3 chính sách mà doanh nghiệp có nhiều khó khăn như mặt bằng sản xuất, thị trường và công nghệ.
Về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận và góp ý vào một số vấn đề lớn:
- Phạm vi sửa đổi: Dự thảo Bộ luật (tháng 3-2017) đã mở rộng việc sửa đổi, bổ sung liên quan tới 151 điều, bỏ 1 điều, trong đó việc sửa đổi, bổ sung các Điều 12, 19, 134, 206, 235, 300, 317, 324, 382 thực chất là thay đổi cơ bản chính sách hình sự mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định.
- Cần đánh giá tác động khi mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội tài trợ khung bố và tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người tử đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Về sửa đổi một số điều có tình tiết định lượng sang định tính; về tội gây ô nhiễm môi trường và tội vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng: Đây là dự án luật được cựu đại biểu Quốc hội bàn thảo sôi nổi, Quốc hội quyết định thảo luận thêm trong hai kỳ họp nữa và mới được thông qua tại kỳ họp thứ 6. Câu lạc bộ đã tham gia ý kiến với 8 nội dung, trong đó có một số vấn đề lớn:
- Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước, Câu lạc bộ Cựu đại biểu cho rằng nên bổ sung quy định này trong luật vì các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước đang tác động tích cực đến tổ chức, cá nhân trong khu vực nhà nước, nhất là khu vực hành chính công.
- Xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Câu lạc bộ cựu đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là khi được phát hiện thì phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu, vật chứng cho cơ quan điều tra để điều tra ngay; không giao lại các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán xác minh như dự thảo.
- Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập: Hiện tại đã có gần 1,2 triệu người có nghĩa vụ kê khai mà vẫn chưa kiểm soát được, nếu mở rộng như dự thảo thì sẽ có gần 2 triệu người phải kê khai càng khó kiểm soát và càng làm tăng tính hình thức. Bởi vậy, nên thu hẹp lại những đối tượng chủ chốt nhất và kiểm soát tốt rồi mới mở rộng dần. Bản kê khai tài sản và thu nhập phải được công khai trước nhân dân trong phạm vi hoạt động, sinh sống của đối tượng kê khai.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2108, phương hướng công tác năm 2019 của Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội
Về Dự thảo Luật về Hội, Câu lạc bộ đã góp ý nhiều lần. Lần đầu vào trước kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (tháng 10-2016), góp ý của Câu lạc bộ đã làm rõ sự bình đẳng giữa các hội, nhất là về tài chính – kinh phí hoạt động; làm rõ mối quan hệ giữa Đảng (một thành viên của Mặt trận) với Mặt trận, Mặt trận với các tổ chức thành viên; làm rõ lý do, có hội thì áp dụng Luật hội, có hội thì không. Nếu chưa lý giải minh bạch được các khúc mắc đó thì chưa nên thông qua tại kỳ họp này. Lần thứ hai vào trước kỳ họp thứ 4 và gần đây là trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo và các ý kiến phát biểu, Ban chủ nhiệm Câu lach bộ đã kiến nghị thúc đẩy việc nghiên cứu (trong đó có việc chuẩn xác lại phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dựng) để có thể thông qua luật này, nhằm sớm cụ thể hóa quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 (Công dân có quyền... lập hội,). Đến nay, Dự án luật vẫn bị dừng lại.
Về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật đặc khu hành chính – kinh tế): Sau khi phân tích một số vấn đề thực tiễn của thế giới và tình hình thu hút vốn đầu tư trong nước, Ban Chủ nhiệm đã đưa ra 7 kiến nghị, trong đó có 41 kiến nghị khá trọng tâm.
- Nhất thiết phải tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (vì đây là vấn đề trọng tâm của dự án luật) để thấy rõ mặt được, mặt chưa được, thậm chí là những thua thiệt hoặc chưa dạt được.
- Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thuộc loại hình gì? Tính đến hết năm 2017, nước ta đã có 325 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu và 3 khu công nghệ cao. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thuộc dạng nào, quan hệ với các dạng trên thế nào; cơ chế vận hành riêng, chung ra sao, có dựa trên nền tảng công nghệ cao (4.0) hay không, cần được làm sáng tỏ.
- Trong điều kiện vị trí địa lý đất nước ta và trong bối cảnh phức tạp của tinhf hình khu vực cũng như thế giới hiện tại và lâu dài, phải đặc biệt coi trọng quốc phòng và an ninh quốc gia. Ba vị trí đặc khu đều là ba vị trí đắc địa, nhạy cảm, nhất thiết không để kẻ thù nào lợi dụng đặc khu để chống phá ta, thu gom đất đai, chiếm cứ lãnh thổ đất nước.
- Dự thảo mới Luật này phải được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo và cần được lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân trong cả nước. Các cơ quan hữu trách phải thực sự cầu thị, tông trọng, lắng nghe và tieps thu các ý kiến đóng góp xác đáng của Nhân dân.
Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội nghị
Ban chủ nhiệm đã có cố gắng lựa chọn những dự án luật, chuyên đề thiết thực, phù hợp với điều kiện hoạt động của Câu lạc bộ để thực hiện. Các cựu đại biểu trong các nhòm chuyên môn về các lĩnh vực khi được huy động đã làm việc tận lực, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi dự án luật hay chuyên đề đều tập hợp, huy động một số nhà khoa học, các đồng chí có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực của cuộc tọa đàm (hội thảo) nên đã đóng góp được nhiều ý kiến xác đáng. Trong hơn 10 lần làm việc đã có hơn 200 lượt đồng chí tham dự, hơn 160 lượt đồng chí đã phát biểu ý kiến.
Các kiến nghị, góp ý của Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội được trân trọng và đánh giá cao; một số kiến nghị về các dự án luật (Bộ Luật Hình sự; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật về Hội;...) đã được tiếp thu hoặc góp phần hoàn thiện những điều, khoản cụ thể, hoặc được dừng lại để chuẩn bị tiếp.