NGHỊ QUYẾT 36 CỦA TRUNG ƯƠNG XÁC ĐỊNH: VIỆT NAM PHẢI TRỞ THÀNH QUỐC GIA MẠNH VỀ BIỂN, GIÀU TỪ BIỂN

23/11/2018

Chiều ngày 23/11, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà quán triệt nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII

Tại hội nghị, báo cáo viên là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày khái quát về tình hình, quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn và các khâu đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.  

Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà quán triệt nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết cũng nêu mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030 phấn đấu các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.

Về xã hội, chỉ số phát triển con người của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...

Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Tiến hành đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 05 chủ trương lớn; 03 khâu đột phá và 07 nhóm giải pháp nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Trong đó, ba khâu đột phá được Trung ương xác định: Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh, sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã hoàn thành chương trình đề ra.

Thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Võ Văn Thưởng cảm ơn đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - đã đến dự khai mạc và chỉ đạo hội nghị; cảm ơn các báo cáo viên đã dành nhiều thời gian chuẩn bị các bài giảng và trình bày tâm huyết, sinh động, mạch lạc các nghị quyết, quy định, kết luận của Hội nghị Trung ương 8, giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt đầy đủ, hệ thông, tinh thần cơ bản, cốt lõi, những điểm mới, gợi mở vấn đề liên hệ với thực tiễn làm cơ sở triển khai tiếp theo. Hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương đã chỉ đạo và tham dự hội nghị với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm; các đồng chí nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đã tham dự hội nghị với tinh thần nghiêm túc, vừa là trách nhiệm, vừa là tấm gương cho cán bộ đảng viên trẻ.

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, công tác tổ chức hội nghị lần này tiến bộ hơn so với Hội nghị Trung ương 7, với điểm cầu trực tuyến nhiều hơn, đại biểu tham dự đông hơn, tinh thần học tập nghiêm túc hơn. Theo báo cáo của các địa phương, đợn vị, đã có 405.000 lượt đại biểu tham dự hội nghị tại hơn 2.700 điểm cầu trực tuyến, cao hơn gần gấp rưỡi so với Hội nghị Trung ương 7. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố đã nối đường truyền tới cấp huyện, cấp xã, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Quân ủy Trung ương… Đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn, trong thời gian tới các đảng ủy tiếp tục tăng thêm các điểm cầu trực tuyến để nghị quyết được phổ biến rộng rãi hơn, tránh tình trạng tam sao thất bản.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng gợi ý một số công việc tiếp theo, trong đó đề nghị các đơn vị tổ chức hội nghị học tập triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8 cho cán bộ, đảng viên chưa được dự hội nghị lần này, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Trong thực hiện quy định nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí tiếp tục chỉ đạo thực hiện các quy định hiên có; Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh ủy, huyện ủy cũng cần tiếp tục thực hiện quy định nêu gương và chỉ đạo thực hiện các quy định, với nguyên tắc chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu.

Các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về cách làm hay mô hình tốt trong việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện nghị quyết. Trong quá trình thực hiện nghị quyết gắn với việc đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đối với Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu các tài liệu đã được phát hành để nắm bắt đầy đủ để triển khai kịp thời, phù hợp trong thực tiễn./.

Lan Hương - Hoàng Quỳnh