THẢO LUẬN TỔ 03: CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI NHIỀU NHƯNG CHƯA HIỆU QUẢ

25/10/2018

Dành sự quan tâm đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội với đồng bào dân tộc thiểu sổ và miền núi tại các phiên thảo luận tổ trong hai ngày 23 và 24/10 về tình hình kinh tế- xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng có quá nhiều chính sách dân tộc miền núi nhưng dàn trải, phân tán nguồn lực và không hiệu quả. Vì vậy cần phải tích hợp các chính sách để tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ tại Tổ 03 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và Tp.Cần Thơ

Tại tổ số 03 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và Tp. Cần Thơ, sáng 24/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ cho biết, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có rất nhiều nhưng nguồn lực phân tán và chưa đáp ứng được yêu cầu với 118 chính sách nằm rải rác ở tất cả các bộ, các lĩnh vực, có chính sách trùng lặp, chồng chéo. Nhiều chương trình nhưng chương trình nào cũng có đào tạo, truyền thông, giám sát đánh giá… Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tại sao tất cả những nội dung đó không làm lại và chương trình phải phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Quốc hội phải có tiếng nói và phải có quyết định trong phân bổ nguồn lực ngay từ 2019 và yêu cầu Chính phủ phải rà soát và sắp xếp lại, hệ thống hóa và có những chương trình tập trung, bỏ những trùng lắp và không phân tán nguồn lực để cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải quyết được những khó khăn trước mắt và lâu dài.

Tán thành với quan điểm phải tích hợp chính sách bởi hiện nay các chính sách còn phân tán, đại biểu Ngô Sách Thực – đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh, tích hợp chính sách để nguồn lực đầu tư được tập trung hơn, phát hiệu hiệu quả đầu tư, huy động nguồn lực xã hội.

Đại biểu Ngô Sách Thực chia sẻ, qua giám sát thấy được một số vấn đề trong việc tái định cư của đồng bào, đặc biệt là tái định cư của các chương trình thủy điện. Đại biểu cho rằng tái định cư phải gắn với tái sinh kế bởi sau khi hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt qua đi thì cuộc sống mới ở nơi tái định cư cần bảo đảm tốt hơn từ điện, đường, trường, trạm, sinh kế. Vì vậy, đại biểu đề nghị, bên cạnh việc xây dựng và triển khai đề án tái định cư cần có kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực này.

Đại biểu Ngô Sách Thực tại phiên thảo luận tổ

Cùng quan điểm, tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 23/10 trước đó, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, qua tổng hợp về chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc có gần 200 chính sách. Vì vậy, cần phải được tích hợp lại tránh dàn trải, không hiệu quả, bảo đảm sự tương xứng giữa chính sách với nguồn lực thực hiện. Nhiều chính sách cũng chưa có sơ kết, tổng kết thấy được có đạt mục tiêu đặt ra, kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân. Theo đại biểu việc tích hợp các chính sách để có sự chỉ đạo thống nhất, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và bảo đảm ưu tiên thực hiện những chính sách cần thiết, cấp bách mang lại hiệu quả.

Trong khi đó đại biểu Thạch Phước Bình – đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thẳng thắn chỉ rõ một số bất cập hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách.

Đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ, sự gắn kết giữa chính sách phát triển dân tộc và chính sách phát triển vùng chưa được thực hiện chặt chẽ, chưa có tính chiến lược. Trình tự thủ tục xây dựng một đề án triển khai chính sách mất nhiều thời gian, nguồn lực thực hiện cho một số chính sách chưa đảm bảo. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hầu hết mới chỉ mang tính chất hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản nên hiệu quả chưa bền vững. Một số chính sách được kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến tình trạng định mức không còn phù hợp với thực tế; có chính sách huy động nhiều nguồn lực nhưng khi cấp vốn lại không đồng bộ dẫn đến khó khăn khi thực hiện.

Đại biểu Thạch Phước Bình chỉ ra một số bất cập hạn chế trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi hiện nay

Việc bố trí vốn đối ứng với các địa phương để triển khai thực hiện dự án, chính sách còn gặp khó khăn bởi đa số các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều còn phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Việc xây dựng một số chính sách còn thiếu thực tế, chưa phù hợp với từng địa bàn vùng dân tộc miền núi. Vấn đề lồng ghép chính sách trên địa bàn còn hạn chế, chưa chặt chẽ.

Cùng với đó, trong thực hiện chính sách, việc phân công chủ trì, phối hợp thực hiện còn chưa rõ ràng, chưa hiệu quả giữa các bộ ngành. Đơn cử như việc báo cáo của các bộ ngành với Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tình hình thực hiện các chính sách còn chưa đầy đủ, kịp thời, chưa có số liệu thống kê của các dân tộc. Công tác đánh giá sơ kết tổng kết việc thực hiện chính sách còn hạn chế…

Theo đại biểu, đây là những nguyên nhân mà Chính phủ cần phải đề cập và làm rõ thêm để thời gian tới triển khai chính sách dân tộc chặt chẽ, hiệu quả hơn; đồng thời đề nghị hàng năm Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện chính sách dân tộc để xem xét, giám sát vấn đề này.

Bảo Yến

Các bài viết khác