Tổ Đại biểu Quốc hội số 03 thảo luận tại tổ về tình hình KTXH và ngân sách nhà nước
Qua thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ đồng tính cao với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; nhấn mạnh rằng dù còn những hạn chế, khó khăn và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, song chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ nêu rõ, điều này cho thấy cùng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ thì các quyết sách của Quốc hội tác động rất lớn và nhìn nhận nghiêm túc rằng từ đầu nhiệm kỳ đến nay các Nghị quyết, quyết sách lớn của Quốc hội tác động lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề cần được nhìn nhận đánh giá sâu thêm để có giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ Nguyễn Thanh Phương cho rằng cần nhìn nhận vai trò của Quốc hội tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Bày tỏ quan ngại nhiều về tình hình thu chi ngân sách, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cho biết, đến nay thu ngân sách mới cơ bản đáp ứng được cho chi thường xuyên trong khi đó chi đầu tư phát triển chủ yếu dựa vào vay ngoài. Thời gian qua thu ngân sách mới đáp ứng được 1 phần cho chi đầu tư phát triển nhưng cũng không nhiều mà chỉ 2-3 năm gần đây mới có. Điều này cho thấy tình hình tài chính quốc gia chưa thực sự vững mạnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm nêu rõ, tăng thu năm qua 3% là cố gắng rất lớn, nhưng tăng thu chủ yếu là từ đất và dầu thô tức là bán tài nguyên khoáng sản để chi tiêu là điều đáng quan ngại. Trong khi thu từ các doanh nghiệp trong nước dù có tăng hơn so với cùng kì năm trước nhưng vẫn không đạt kế hoạch đề ra. Đây là vấn đề đáng quan tâm lo lắng nhất. Trong bối cảnh hội nhập tham gia cam kết quốc tế hiệp định quốc tế đều có yêu cầu giảm thuế thì thu ngân sách ngày càng khó khăn nếu không có sự điều chỉnh chính sách thì nguy cơ đối với ngân sách và nền tài chính quốc gia thời gian tới sẽ không có nguồn lực để thực hiện chi cho các nhiệm vụ mục tiêu. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần điều chỉnh chính sách thu để huy động tốt hơn các nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều khoản dự toán không sát với thực tế, một số khoản thu không đạt kế hoạch do không đánh giá hết được những tác động. Mặc dù thu ngân sách khó khăn nhưng chi ngân sách còn tình trạng lãng phí, phân bổ vốn không bảo đảm chế độ ưu tiên, nợ động xây dựng cơ bản còn phát sinh, giải ngân xây dựng cơ bản chậm.
Đặc biệt là tình trạng chuyển nguồn lớn. Trong khi các nguồn lực chi cho đầu tư hạn hẹp và khó khăn nhưng kế hoạch vốn bố trí lại không giải ngân được và chuyển nguồn sang năm sau. Đây là một sự lãng phí lớn bởi nhiều khoản tiền phải đi vay, phải chịu trả lãi nhưng không được đưa vào thực tiễn, chậm phát huy hiệu quả của đồng tiền.
Theo đại biểu, như vậy trong điều hành thu, chi còn nhiều vấn đề, liên quan đến kỷ luật, kỷ cương tài chính, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương. Thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính về thu và chi ngân sách.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm bày tỏ quan ngại về tình hình thu chi ngân sách nhà nước
Đại biểu Trần Văn Lâm chỉ ra rằng, trong báo cáo của Chính phủ nêu ra nhiều vấn đề của tình hình nợ công rất đáng quan ngại. Việc giao vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm còn rất nhiều vướng mắc, giải ngân vốn nước ngoài đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp so với kế hoạch hàng năm. Một số dự án đã vay, kí kết hiệp định ODA, vay ưu đãi với các nhà tài trợ nước ngoài song chưa được giải ngân do chưa được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho thấy có sự vướng mắc trong điều hành, điều phối cần được quan tâm giải quyết.
Bên cạnh đó, đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết về giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng là chưa đạt được như kỳ vọng. Thực tế giám sát cho thấy số nợ xấu gần như không có gì thay đổi, xử lý cực kỳ khó khăn. Đây là vấn đề phối hợp từ trung ương đến địa phương các cơ quan bộ, ngành trong triển khai các giải pháp đề ra trong nghị quyết thiếu đồng bộ. Các giải pháp mà Nghị quyết đưa ra trên thực tế chưa thấy được kết quả thực sự mà mới chỉ mang ý nghĩa thúc đẩy cho các tổ chức tín dụng nâng cao trách nhiệm thu hồi nợ và các đối tượng nợ có trách nhiệm xử lý nợ với ngân hàng. Vì vậy, Chính phủ trong thời gian tới quan tâm triển khai quyết liệt hơn, trong đó sớm kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn cụ thể.