THỪA THIÊN - HUẾ CẦN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẤT LÂM NGHIỆP

01/08/2018

"Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với diện tích đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ các nông, lâm trường..." là một trong những nội dung được Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nhấn mạnh tại buổi làm việc với UBDN tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều 31/7.

Hiện nay tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế là 502.629ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 334.908ha, bao gồm 53.609ha đất hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế 30.928ha, cơ quan nhà nước 5.583ha, đơn vị sự nghiệp công lập 17.950ha, cộng đồng dân cư và tổ chức tôn giáo 2.067ha, UBND quản lý 39.176ha, cộng đồng dân cư và tổ chức khác quản lý 24.591ha.  Đến nay, toàn tỉnh có gần 154.000 hecta đất thuộc quản lý của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chiếm gần 99% diện tích cần cấp. Nhằm giải quyết các vụ việc liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm mua bán trái phép đất rừng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành chỉ thị 65/2015, bước đầu thu hồi được 424,35 ha/739,13 ha đất lâm nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức người dân.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; tạo thuận lợi trong việc lập hồ sơ địa chính, xử lý tranh chấp và lấn chiếm.Đối với các công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 11/2014/NĐ-CP thì việc cắm mốc giới do doanh nghiệp đảm trách, tự chịu trách nhiệm về kinh phí.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đánh giá cao công tác điều hành, chỉ đạo trong của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với đất lâm nghiệp có nguồn gốc các nông, lâm trường. Đồng thời lưu ý tỉnh xử lý các tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, kết hợp nhuần nhuyễn công tác dân vận vào thực tiễn. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan  chức năng giải quyết dứt điểm việc xâm canh, tranh chấp đất đai, xây nhà ở trái phép như ở A Lưới, các ban quản ký rừng, lâm nghiệp Tiền phong, vì nếu  giải quyết đơn phương thì các công ty này thì khó có thể thực hiện được...

Những kết luận của Đoàn giám sát đã được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp thu và cam kết nghiêm túc thực hiện. Điều này là hết sức cần thiết đối với một địa phương được đánh giá là quản lý, sử dụng nhiều diện tích đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ các nông, lâm trường như Thừa Thiên - Huế./.

Tiểu Bảo