ỦY BAN VH, GD, TN, TN & NĐ LÀM VIỆC VỚI BỘ LĐ-TB & XH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NSNN TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM VÀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

18/07/2018

Sáng 18/7, tại Hà Nội, Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ đã có buổi làm việc với Bộ LĐ-TB & XH về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và giáo dục nghề nghiệp.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; các thành viên Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng các thành viên của Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Chi ngân sách cho lĩnh vực trẻ em đảm bảo tiết kiệm triệt để

Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội Lê Quân cho biết, theo dự toán ngân sách trung ương do Quốc hội duyệt, tổng số chi cho Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội trong năm 2018 là 45.814 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm đã triển khai thực hiện đạt khoảng 40% kinh phí được giao.

Kinh phí phân bổ thông qua Dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc chương trình mục tiêu hệ thống trợ giúp xã hội do Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội quản lý năm 2018 là 31.243 triệu đồng. Theo báo cáo của các địa phương về phần địa phương bố trí kinh phí cho sự nghiệp trẻ em là trên 146 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy banVăn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh chủ trì buổi làm việc

Nhìn chung, trong phạm vi dự toán được giao, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội đã điều hành chi ngân sách đảm bảo triệt để tiết kiệm, đúng chế độ quy định. Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ. Ngoài ra, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội đã chủ động bố trí kinh phí dành ra từ Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 -2020 để thực hiện nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá dịch vụ công về bảo vệ trẻ em.

Bố trí ngân sách địa phương cho công tác trẻ em còn thấp và chậm

Báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội cũng nêu rõ: hiện nay, kinh phí phân bổ cho các chương trình, đề án có mục tiêu, kế hoạch triển, khai diễn ra trong giai đoạn 2016- 2020 mặc dù cơ bản đảm bảo được các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên một số chương trình, đề án kinh phí còn bố trí thấp hoặc chậm phân bổ kinh phí.

Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương cho công tác trẻ em còn thấp, thậm chí không bố trí ngân sách hoặc còn chậm triển khai thực hiện.

Dự toán chi 2019 được sắp xếp ưu tiên các nhiệm vụ cấp thiết

Trên cơ sở đánh giá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và giai đoạn 2016- 2020 của lĩnh vực trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội Lê Quân cho biết, dự toán chi ngân sách năm 2019 đã sắp xếp chế độ ưu tiên các nhiệm vụ chi theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai trong năm 2019 để hoàn thành nhiệm vụ, các chương trình, dự án, đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, tổng kinh phí đề xuất cho năm 2019 cho lĩnh vực trẻ em là là trên 100 tỷ đồng. Cụ thể, chi quản lý hành chính là 6,9 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội là 94,5 tỷ.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội Lê Quân phát biểu

Để đảm bảo hiệu quả trong việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2018 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc lồng ghép các mục tiêu, tiêu chí trẻ em và phân bổ ngân sách thực hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của bộ ngành, địa phương 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Trẻ em 2016.

Đồng thời, kiến nghị Ủy ban tăng cường giám sát việc ưu tiên phân bổ nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu, các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho bộ, ngành, địa phương.

Làm rõ căn cứ tăng, giảm dự toán chi

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản đánh giá cao tiến độ, thời gian hoàn thành báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, số liệu một số nội dung của Báo cáo chưa đầy đủ, chưa phản ánh được đầy đủ tình hình đầu tư cho lĩnh vực trẻ em.

Qua nghiên cứu Báo cáo của Bộ, các đại biểu nhận thấy, ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2018 tăng so với năm 2017. Tuy nhiên, do gộp chung với ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp tạo thành một dòng ngân chưa được tách riêng nên chưa đủ cơ sở đánh giá chính xác. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội làm rõ các lý do, căn cứ cho việc tăng, giảm dự toán chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, vấn đề về thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng được Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội báo cáo và được các đại biểu thảo luận tại buổi làm việc.

Thu Phương