Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc
Hiện nay, toàn huyện Nam Giang có 11 trường Phổ thông dân tộc bán trú, 1 trường Phổ thông trung học nội trú và 4 trường có học sinh bán trú. Nhìn chung tất cả các trường nội trú, bán trú được xây dựng khang trang, đầy đủ phòng học, phòng chức năng, nhà ở, bếp nấu, khu vệ sinh, sân chơi, bãi tập và hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo nhu cầu dạy và học.
Về chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2012 - 2015, lộ trình đến năm 2020, huyện đã, đang và sẽ đầu tư xây dựng mới tổng cộng 58 phòng học kiên cố và 6 nhà công vụ, với tổng mức đầu tư gần 27 tỷ đồng. Đề án phổ cập cho trẻ em 5 tuổi cũng được thực hiện tốt với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp, trẻ 5 tuổi được học 2 buổi 1 ngày đạt 100%.
Đại diện huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam báo cáo với đoàn giám sát
Cũng trong giai đoạn 2010 – 2015, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học, mua sắm hàng hoá, đào tạo và hội thảo, quỹ phúc lợi học sinh tại 6 trường Tiểu học trên địa bàn huyện, tổng kinh phí thực hiện gần 12,24 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người học, hỗ trợ học bổng, ăn trưa cũng được thực hiện khá tốt.
Cũng trong buổi làm việc với đoàn giám sát, huyện Nam Giang đề nghị Trung ương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo tiêu chuẩn thiết kế trường học cho học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú theo Quyết định số 85/2010 của Chính phủ. Tăng mức hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh từ 100.000 đồng/tháng lên 150.000 đồng/tháng để phù hợp với giá cả thị trường theo Nghị định số 86/2015. Đồng thời cũng cần tăng thêm tiền trang cấp ban đầu cho học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú. Về chế độ cho nhân viên cấp dưỡng, huyện Nam Giang đề xuất nâng mức hỗ trợ lên ít nhất bằng 300% mức lương cơ sở/tháng/người (tương đương 3,9 triệu đồng/tháng/người) để đảm bảo thu nhập cho nhân viên cấp dưỡng cũng như chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị kéo dài thời gian thụ hưởng của cán bộ, giáo viên khu mực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định 116/2010 thay vì 5 năm như hiện tại. Đặc biệt, huyện đề nghị Trung ương tiếp tục thực hiện khoản 2, điều 11, Nghị định số 134/2006 của Chính phủ, tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được đưa đi học theo chế độ cử tuyển.
Uỷ viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Leo Thị Lịch phát biểu tại buổi làm việc
Đoàn giám sát cũng trao đổi với huyện Nam Giang để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến công tác xoá mù chữ, chống tái mù chữ, công tác tuyển sinh vào các trường Phổ thông dân tộc nội trú, sự hỗ trợ từ chính địa phương đối với công tác giáo dục.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những kết quả nổi bật mà huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Đối với những bất cập, kiến nghị liên quan đến trường nội trú, bán trú, chế độ của giáo viên, người lao động, tỷ suất đầu tư cho hạ tầng miền núi, hỗ trợ của tỉnh và công tác xã hội hoá…. Đoàn giám sát tổng hợp để bổ sung vào Báo cáo đánh giá việc triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số; Đồng thời làm cơ sở cho những kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học trong các kỳ họp tới./.