Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Trình bày báo cáo tại tọa đàm, các đại biểu nêu rõ, Bình đẳng giới luôn là mục tiêu quan trọng và nhất quán được Đảng và nhà nước quan tâm thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ là nội dung quan trọng.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS Trịnh Thị Lê Trâm
trình bày báo cáo
Một số đại biểu cho rằng, thực tế việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tỷ lệ phụ nữ so với nam giới trong số người biết chữ đã tăng lên đáng kể, chênh lệch về học sinh nam- học sinh nữ trong tất cả các cấp học đã được thu hẹp…Tuy nhiên, thực tiễn giáo dục đào tạo ở nước ta vẫn còn tồn tại không ít hạn chế cần khắc phục. Cụ thể: Về cơ cấu đội ngũ giáo viên, giáo viên nữ chiếm tỷ cao trong tổng số giáo viên của ngành giáo dục đào tạo, song chủ yếu tập trung ở các bậc học thấp. Càng ở bậc học cao, tỷ lệ nữ giáo viên càng giảm; số giáo viên tham gia lãnh đạo quản lý ở các trường hiện nay rất thấp. Về cơ hội thụ hưởng, cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục của phụ nữ vẫn hạn chế hơn, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Đối tượng nữ là người dân tộc thiểu số chiếm đa số trong số người mù chữ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp thực hiện mục tiêu bình đẳng giới tuy nhiên, các đại biểu nhận định, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật giáo dục và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học chưa có những quy định cụ thể nhằm thực hiện những vấn đề trên. Do đó, một số đại biểu cho ý kiến, để đảm bảo bình đẳng giới thực chất, đề nghị việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên nền kiến thức vững chắc về giới; tránh dùng ngôn ngữ trung tính trong dự thảo văn bản; vấn đề lồng ghép giới đối với lĩnh vực đào tạo cần được cụ thể hóa rõ ràng trong từng điều luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đưa ra quan điểm
Nhận định việc điều chỉnh bổ sung những quy định liên quan đến bình đẳng giới trong hai dự thảo luật trên sẽ góp phần quan trọng trong bảo đảm mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất công dân, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung quy định về nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử về giới trong các cơ sở giáo dục, giáo dục đại học; cấm phân biệt giới trong công tác tuyển sinh ở một số trường, một số ngành; bổ sung quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với nhà giáo là nữ, học sinh, sinh viên nữ; quy định về tỷ lệ giới trong đội ngũ lãnh đạo, hội đồng trường, bảo đảm yếu tố giới trong việc quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu kết thúc tọa đàm
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu của các đại biểu, các chuyên gia; mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu cả về lý luận và thực tiễn để việc lồng ghép giới trong các dự thảo luật đem lại hiệu quả thiết thực./.