Tham dự Tọa đàm có các ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc tọa đàm
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Do còn nhiều vấn đề lớn cần được tiếp tục nghiên cứu, Quốc hội quyết định xem xét thông qua dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) theo quy trình tại 3 kỳ họp. Hiện nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đang phối hợp cùng Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội thảo luận tại phiên họp tháng 5 tới.
Với nhiều vấn đề lớn như: việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài nhà nước; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán... cần được tiếp tục phân tích làm rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ mong muốn thông qua tọa đàm sẽ có thêm nhiều thông tin về các vấn đề Quốc hội thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo và báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC Nguyễn Chí Công phát biểu ý kiến
Thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện những diễn biến phức tạp ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Do đó, nhiếu ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước là cần thiết. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước cũng phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”; cũng như quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước và yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên. Việc mở rộng này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu bày tỏ quan điểm tại buổi toạ đàm
Về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực, đa số ý kiến phát biểu đều cho rằng, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, giúp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, giải pháp kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là còn mang tính hình thức và hiệu quả phòng, chống tham nhũng thấp.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC Nguyễn Chí Công, cần phải có cơ quan quản lý chuyên biệt và cơ sở dữ liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để tránh đi vào lối mòn trong quản lý kê khai tài sản, thu nhập cá nhân hiện nay. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị dự thảo Luật cần quy định các cơ quan, tổ chức thuộc khối Đảng, Nhà nước thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; yêu cầu kê khai tài sản cá nhân ngay từ khi tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm...
Các đại biểu cho rằng, cần phải có quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng cường minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập, cũng như có các chế tài phù hợp xử lý nghiêm khắc những hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực./.