Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng chuẩn bị nội dung khảo sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế”

23/01/2018

Chiều 23/1, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tìm hiểu một số thông tin chung và thống nhất định hướng khảo sát thực tế chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế” theo Chương trình công tác năm 2018. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Hoàng Thị Hoa chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, cho đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 8 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm: Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Bia Khiêm Cung ký, Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn, Ngai vua triều Nguyễn, Áo Tế giao, Bộ Cửu vị thần công và Bộ Cửu đỉnh và các di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Thơ văn Hán Nôm trên di tích, văn bia, thơ Ngự chế được trang trí ở các cung điện, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, lễ nhạc cung đình, múa hát cung đình, lễ hội cung đình, tuồng Ngự, ca Huế… Các chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện gồm có 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung, 06 Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật di sản văn hóa và 15 thông tư, gồm: Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa; Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích… Để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Huế, bên cạnh việc áp dụng văn bản pháp luật về di sản văn hóa, còn phải áp dụng các văn bản pháp luật khác, như các văn bản pháp luật về xây dựng, văn bản pháp luật về đầu tư công, văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan như du lịch, đất đai, nhà ở...

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ở trung ương và tỉnh thừa Thiên Huế (cụ thể là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kể từ khi Luật di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, giúp cho việc thực thi hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Huế nói riêng. Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung nghiên cứu kỹ việc điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác cắm mốc đã được thực hiện tốt trong thời gian vừa qua, việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ cụm lăng chúa Nguyễn Hoàng, lăng Trường Thái, lăng Trường Thiệu, lăng Trường Cơ, lăng Hải Đông Quận Vương được thực hiện và thường xuyên bảo dưỡng cột mốc tại các điểm di tích. Công tác kiểm kê, xếp hạng, phân loại, khoanh vùng cắm mốc, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; công tác khảo cổ; công tác bảo tàng trong những năm qua cũng đã được thực hiện chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc Công ước Di sản Thế giới, Luật di sản văn hóa và các Quy chế bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh, các quy định trong xây dựng cơ bản, đảm bảo sự chuẩn mực về bảo tồn, tính chân xác của các công trình. Nhiều công trình quan trọng như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), Phu Văn Lâu, Điện Sùng Ân, Bi Đình (lăng Minh Mạng)... đã được tu bổ, phục hồi.

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm kê, phân loại, lưu giữ, bảo tồn, phát huy và chính sách đối với nghệ nhân. Hàng chục tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng đã được sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn; dàn dựng thành công các điệu múa Cung đình tiêu biểu, các vở Tuồng cung đình cổ và các trích đoạn Tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật… Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khảo sát và tư liệu hóa; đào tạo và truyền dạy; nghiên cứu và phục hồi; quảng bá và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng đã được tiến hành. Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các tài sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hàng chục công trình về di sản văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn đã được tổ chức.

Tuy nhiên, từ thực tế thi hành chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy rằng, một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo tồn, tôn tạo di tích còn đang bị chồng chéo; tình trạng lấn chiếm di tích chưa được giải quyết dứt điểm; nguồn tài chính cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản còn hạn hẹp…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong thời gian qua; đồng thời đánh giá Báo cáo của Bộ đã bám sát đề cương của Ủy ban, nội dung Báo cáo thể hiện đúng trọng tâm, mục tiêu giám sát. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng nhận thấy, các nội dung trong Báo cáo mới chỉ đề cập đến việc bảo vệ, tôn tạo các di sản mang tầm thế giới, do vậy đề nghị Bộ bổ sung thêm thông tin về các nội dung liên quan đến các di sản mang tầm quốc gia để Ủy ban có đánh giá tổng thể trước khi tham mưu, xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Bên cạnh đó, để Báo cáo có cơ sở thuyết phục cao, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp những số liệu cũng như đánh giá cụ thể hơn về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; đặc biệt là công tác trùng tu, tôn tạo di tích.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Hoàng Thị Hoa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến góp ý của Thường trực Ủy ban, trên cơ sở đó bổ sung và hoàn thiện báo cáo và gửi lại cho Ủy ban trước ngày 10/2.

Tin và ảnh: Thu Phương