Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đo đạc và bản đồ

10/11/2017

Sáng 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình       Ảnh: Đình Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý và triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước, gồm 02 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 80 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng. Đặc biệt, ngày 06 tháng 5 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ (thay thế Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ). Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh chung đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, đặc biệt là hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản. Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và một số mục tiêu quan trọng khác. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế: hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất… Trong khi đó, tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp; đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, việc xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 12/9/2017 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Báo cáo số 516/BC-UBKHCNMT14, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ được chỉnh lý có bố cục gồm 9 chương, 63 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Việc xây dựng Luật bảo đảm quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế; nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ; tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật là rất cần thiết, đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ, đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đánh giá nội dung dự thảo luật đã phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, về cơ bản, nội dung Dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước, pháp luật quốc tế có liên quan. Tuy vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nội dung của dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật đã ban hành như Luật Thủy lợi, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải, Luật Biển Việt Nam, Luật Đất đai… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của Dự thảo Luật với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất cao của hệ thống pháp luật.

Về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, các nội dung về vấn đề này tại Chương 2 của dự án luật đã được quy định tương đối chặt chẽ và đầy đủ. Tuy vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ quy định về thu nhận dữ liệu ảnh hàng không và thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, quy định về nội dung việc thu nhận dữ liệu ảnh này và tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 và các nguyên tắc chuẩn hóa địa danh.

Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, quy định tại Điều 27 của dự thảo Luật về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm là một bước tiến quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng hoạt động đo đạc và bản đồ chưa thống nhất, chồng chéo, lãng phí; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng, quản lý kế hoạch, triển khai dự án liên quan tới đo đạc và bản đồ; tình trạng quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ phân tán, không đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung… Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ về cơ sở dữ liệu và bản đồ công trình ngầm phục vụ mục đích dân dụng; về phân cấp quản lý hồ sơ, tài liệu các công trình ngầm.

Liên quan đến nguyên tắc và chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với các chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ như quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về việc ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ; ưu tiên hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó cân nhắc có nội dung đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ tại Việt Nam và chính sách của Nhà nước về xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Đối với các quy định về điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; việc giao Chính phủ ban hành danh mục các hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép (khoản 9 Điều 48); về phân cấp trong cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho tổ chức trong nước (khoản 2 Điều 50).

Riêng đối với quy định cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là một thủ tục hành chính mới có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành đo đạc và bản đồ, của các tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ các quy định về việc các cá nhân đã có chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình khi hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ khác thì cần phải có thêm chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; cá nhân đã có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ thì không nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình khi thực hiện khảo sát địa hình theo quy định của Luật Xây dựng; các quy định về việc giao thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cho hội nghề nghiệp; đồng thời làm rõ địa vị pháp lý của tổ chức này trong Luật. Bên cạnh đó, cân nhắc sự cần thiết về quy định phải qua sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ tại điểm c khoản 4 Điều 51 và làm rõ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 51 “mỗi chứng chỉ cấp cho một nội dung hành nghề” để tạo điều kiện cho cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.

Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, lĩnh vực đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết với những tiến bộ khoa học và công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão. Nhiều nội dung của đo đạc và bản đồ đã trở nên phổ thông, được truy cập miễn phí… Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng hiện đại để thích ứng với hoạt động có tính chuyên ngành của lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Thu Phương