Tọa đàm về Điện ảnh Việt Nam- thực trạng và một số vấn đề đặt ra hiện nay

20/10/2017

Chiều 20/10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc hội đã tổ chức buổi tọa đàm về điện ảnh Việt Nam- thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa chủ trì tọa đàm.

Tham gia tọa đàm có đại diện Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam, Cục Điện ảnh, Cục Quản lý Cạnh tranh, Cục đầu tư nước ngoài, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất và phát hành phim, một số chuyên gia, đạo diễn, diễn viên, nhà làm phim... và các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Theo Báo cáo về tình hình thị trường điện ảnh Việt Nam của Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn nhu cầu của con người tăng cao về lĩnh vực văn hóa, giải trí. Thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển bùng nổ khi doanh thu phòng vé trong những năm vừa qua tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ bình quân từ 20- 25%/ năm và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khu vực điện ảnh nhà nước đang không thích nghi được với môi trường công nghiệp mới với tình hình thua lỗ, cổ phần hóa, tê liệt, đóng cửa... Đáng chú ý là trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam. Điện ảnh tư nhân mới được nhà nước cho mở cửa phát triển từ năm 2000 trở đi, vốn chưa nhiều, tiềm lực chưa mạnh đủ. Trong khi đó, các tập lớn nước ngoài  vào Việt Nam với vốn lớn, bề dày kinh nghiệm và đang có nhiều biểu hiện chèn ép, bóp nghẹt lợi nhuận, thôn tính các doanh nghiệp Việt Nam để thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt Nam. 

Hiện nay có khoảng 50 doanh nghiệp tại Việt Nam thực sự sản xuất phim. Trước và đầu những năm 2000, mỗi năm có từ 5-10 phim Việt Nam được sản xuất, chủ yếu là phim nhà nước đặt hàng. Từ năm 2004 trở lại đây, chủ yếu là phim tư nhân sản xuất. Năm 2014 có khoảng 25 phim, 2015 khoảng 40; 2016 khoảng 60 phim; trong 10 tháng đầu năm 2017 có khoảng 45 phim Việt Nam. Hiện phim Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20-30% thị phần về doanh thu, con số này có thể được tăng lên khoảng 40-50% nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách nhà nước và được cạnh tranh sòng phẳng, không bị chèn ép, áp đặt những điều kiện không công bằng so với phim ngoại. Số liệu này cũng có thể giảm xuống khoảng 10% nếu tình trạng cạnh tranh chèn ép hiện tại vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Nổi bật có doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường điện ảnh cả về phát hành và rạp chiếu đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để thực hiện nhiều biện hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, vi phạm đạo đức kinh doanh một cách tinh vi; phân biệt đối xử, chèn ép các doanh nghiệp trong nước và phim ảnh Việt Nam, nhằm tiến tới độc quyền và lũng loạn thị trường điện ảnh Việt Nam, bắt đầu từ lĩnh vực phát hành và sản xuất, gần đây nhất là rạp chiếu phim.

Các đại biểu đánh giá, đây là một sự báo động rất khẩn cấp trước nguy cơ các đơn vị chiếu phim Việt Nam không thể tồn tại; nền điện ảnh Việt Nam đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu nếu tình trạng này còn kéo dài trong vòng 5 năm nữa. Trước tình hình này, nếu các cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc, đồng thời nếu các doanh nghiệp trong nước không cùng nhau hợp lực và hành động mạnh mẽ thì có thể chỉ trong thời gian ngắn tới đây ngành điện ảnh Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng trên chính đất nước của mình, công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ bị thâu tóm. Đáng lo ngại là con em người Việt lớn lên sẽ không có cơ hội được tiếp cận các bộ phim về văn hóa dân tộc.

Để đảm bảo điện ảnh Việt Nam có thể phát triển một cách công bằng, các đại biểu đề nghị, nhà nước cần nhanh chóng có những chính sách can thiệp để ngăn chặn, xử lý các hành vi cạnh tranh trái pháp luật; điều tiết tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và công tác phát hành phim; có giải pháp thúc đẩy phát triển phim Việt Nam; đề nghị Bộ tài Chính nghiên cứu và đưa ra một hành lang pháp lý đồng bộ quy định về mức giá vé, đảm bảo tỷ lệ phân chia doanh thu phải có sự cân bằng giữa phim nước ngoài và phim Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Điện ảnh cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Liên quan đến trường hợp cụ thể của Hãng phim truyện Việt Nam thua lỗ kéo dài, cổ phần hóa với giá trị thương hiệu 0 đồng và tranh chấp giữa nhà đầu tư với tập thể người lao động khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua, nhiều đại biểu cho rằng đối với điện ảnh với tính chất một lĩnh vực văn hóa thì cần có những biện phát quản lý đặc thù để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cần xem xét thận trọng việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, bởi đây là Con chim đầu đàn của cách mạng, có truyền thống và từng là nơi hội tụ những nghệ sỹ có chuyên môn giỏi nhất. Cổ phần hóa không đúng đắn sẽ dẫn đến việc phá bỏ một giá trị truyền thống được tạo dựng qua hàng trăm bộ phim. Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển dòng phim chính thống cần được thực hiện bởi một Quỹ phát triển điện ảnh mà nguồn kinh phí được trích từ một phần giá vé của các cụm rạp, bởi các nhà phát hành phim nước ngoài đã thu lợi rất lớn từ khán giả nội địa. Các đại biểu cho rằng, họ cần có nghĩa vụ nộp ngân sách để tái sử dụng cho chương trình chấn hưng điện ảnh nội địa mà nhà nước khởi xướng.

Cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, các nghệ sỹ, chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa khẳng định, cách mạng Việt Nam thành công có sự đóng góp rất lớn của Điện ảnh Việt Nam và cho biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ghi nhận và tiếp thu tất cả những ý kiến, nội dung kiến nghị của các đại biểu tại tọa đàm hôm nay để nghiên cứu và tham mưu cho Quốc hội sớm sửa đổi Luật Điện ảnh và có những chính sách phù hợp để ngành Điện ảnh Việt Nam có những đổi mới và  tiếp tục có những bước phát triển trong thời gian tới.

Thu Phương