Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với lãnh đạo Hội đồng nhân dân các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh; Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Quốc An, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và đại diện Thường trực, các ban thuộc Hội đồng nhân dân của 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, các tỉnh trung du và miền núi phía bắc đã phối hợp, luân phiên tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động với những chủ đề khác nhau. Qua đó, học hỏi được những cách làm mới, kinh nghiệm hay, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng nhân dân cho phù hợp, nhất là những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra cho hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay.
Báo cáo đề dẫn hội nghị với chủ đề “Kinh nghiệm tổ chức thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015” nêu rõ, qua thời gian ngắn thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía bắc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc thu - chi ngân sách Nhà nước, thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương. Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhân dân từ cơ sở, ghi âm, ghi hình tạo sự sinh động và có tính thuyết phục cao, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về một số vấn đề liên quan tới kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát; mối quan hệ phối hợp giữa đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong quá trình giám sát tại địa phương. Cách thức tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp tại các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh cần tiếp tục đổi mới và chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát. Có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm không chồng chéo về thời gian, địa điểm cũng như nội dung và đối tượng giám sát. Bên cạnh đó, cần đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát, tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không nghiêm túc thực hiện kết luận giám sát.
Cần chú trọng việc hướng dẫn hoạt động giám sát của các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện. Định kỳ tổ chức hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm, trả lời hướng dẫn đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố. Yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp huyện tích cực hướng dẫn, tập huấn kỹ năng hoạt động đối với các Ban Hội đồng nhân dân cấp xã. Quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động giám sát có tính chuyên sâu cho các đại biểu, nhất là đối với các đại biểu chuyên trách và đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia ứng cử lần đầu.
Cũng trong dịp này, trước đó, ngày 9/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có buổi làm việc với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gặp mặt Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh bày tỏ vui mừng được tiếp đón Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên làm việc tại tỉnh Hà Giang. Giới thiệu khái quát đặc điểm địa lý, tình hình phát triển kinh tế- xã hội cũng như những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nhấn mạnh, trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc Mông có trên 240 nghìn người, đó là những nét rất đặc biệt; tỉnh Hà Giang có 7/11 huyện nằm ở biên giới phía Bắc; trong đó có 6/7 huyện thuộc huyện nghèo nhất cả nước; do đó, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với những nỗ lực, tập thể Đảng bộ và cả hệ thống chính trị nhiệm kỳ qua đã cố gắng lấy lại hình ảnh của mình; đặc biệt hoạt động của đại biểu dân bầu đã làm rất tốt; trong đó, nhiệm kỳ vừa qua đã có Đề án về đổi mới tiếp xúc cử tri qua mạng, đối thoại trực tiếp, tiếp xúc cử tri tại tổ dân phố, tiếp xúc cử tri trên điện tử. Hiện nay, Hà giang có 7/11 huyện tổ chức Hội nghị trực tuyến đến cấp xã; từ tỉnh đến huyện và tất cả các xã đều có Website…
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi lên thăm Hà Giang; đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, cũng rất quan tâm đến đời sống của người dân nơi địa đầu Tổ quốc…, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay sau buổi làm việc ngày 10/3, đoàn công tác sẽ đi thực tế tại các điểm dừng chân trên Cao nguyên đá Đồng Văn, thăm một số khu di tích danh lam thắng cảnh; đặc biệt, trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con nơi địa đầu tổ quốc.