Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam khóa XIV và Quốc hội Lào khóa VIII phối hợp tổ chức Hội thảo. Trước đó, vào tháng 9/2016, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Quốc hội hai nước đã phối hợp tổ chức rất thành công Hội thảo chuyên đề về “Kinh nghiệm quản lý nợ công”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hải Dương, Hà Nội.
Về phía Lào có: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Eksavang Vongvichit; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Thanh tra Vilayvonng Bouddakham; Tổng thư ký Quốc hội Suanesavanh Vignaket, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Saythong Keodouangdi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Kỹ thuật và Môi trường Bounpone Sisoulath, Chủ nhiệm Ủy ban các Dân tộc Bouaphanh Thipphavong, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Khamsouk Viinthavong; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane và lãnh đạo một số địa phương của Lào.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Quốc hội Việt Nam rất vui mừng được cùng Quốc hội nước CHDCND Lào tiếp tục tổ chức Hội thảo chuyên đề để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác quản lý của mỗi nước; trao đổi về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, phân cấp quản lý giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương; phân cấp quản lý của các cơ quan của Chính phủ, từ Trung ương đến địa phương.
Hội thảo thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước trong công tác quản lý nhà nước và là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng tại Hội thảo này, các đại biểu Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành và địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Việt Nam và Lào sẽ trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến phân cấp quản lý giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; giữa Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã.
Bày tỏ vui mừng được tham dự Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội thảo này của Quốc hội Việt Nam; cho rằng đây là chủ đề được hai Quốc hội cùng quan tâm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quản lý hành chính Nhà nước của từng nước trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou nhấn mạnh, đây là dịp để hai Bên trao đổi kinh nghiệm, thông tin trong việc phân cấp quản lý hành chính Nhà nước ở mỗi nước. Hội thảo cũng là một hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Lào.
Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou phát biểu tại Hội thảo
Chủ tịch Quốc hội Lào cho rằng, việc phân cấp quản lý hành chính Nhà nước có tầm quan trọng trong việc quản lý hành chính Nhà nước năng động, minh bạch hơn, đồng thời dễ dàng hơn cho hoạt động giám sát. Việc phân cấp quản lý Nhà nước ở Lào thời gian qua đã đạt được kết quả nhiều mặt, song vẫn còn nhiều thách thức và cấp bách, phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi phương thức để quy định về phân cấp quản lý rõ ràng, phù hợp với đặc điểm của tình hình phát triển kinh tế- xã hội từng giai đoạn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou mong muốn qua hội thảo, Quốc hội Lào sẽ được trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Việt Nam để làm cơ sở nghiên cứu, củng cố và hoàn thiện văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe một số tham luận; cùng thảo luận, trao đổi một số nội dung về: Hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam, Lào về hệ thống cơ quan dân cử và cơ quan hành chính của Việt Nam, Lào; Hệ thống cơ quan dân cử các cấp tại Việt Nam, Lào; Công tác tham mưu phục vụ hoạt động của các cơ quan dân cử tại Trung ương và địa phương ở Việt Nam, Lào…
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ở Việt Nam hiện nay, các cơ quan giúp việc đã được thành lập và tổ chức một cách tương ứng với hệ thống các cơ quan dân cử theo các cấp hành chính. Trong đó, để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, bộ máy của Văn phòng Quốc hội ở trung ương được tổ chức để phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Ở địa phương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trực thuộc Văn phòng Quốc hội có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vừa chịu sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác tham mưu, giúp việc, vừa chịu sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện một số nhiệm vụ khác.
Về cơ quan giúp việc cho các Hội đồng nhân dân các cấp, ở cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hiện nay do Chính phủ quy định nhưng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng. Chánh Văn phòng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân về toàn bộ hoạt động của Văn phòng. Kinh phí hoạt động của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng được giao nằm trong kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tương tự, ở cấp huyện, Hội đồng nhân dân có cơ quan giúp việc là Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện. Ở cấp xã cũng có những chuyên viên được phân công giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Các đại biểu hai nước Việt Nam- Lào tham dự Hội thảo
Chia sẻ bài học và kinh nghiệm trong việc phân cấp quản lý, việc phân quyền quản lý nhà nước tại thành phố Vientiane, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thủ đô Vientiane Anouphab Tounalom cho biết, công tác quản lý Thủ đô Vientiane được phân thành 3 cấp: Cấp thành phố, cấp quận, huyện và cấp bản. Hiện nay, Vientiane đang nghiên cứu để thành lập thêm cấp thị xã, song song với đó là cơ quan tư pháp địa phương, cơ quan lập pháp địa phương (còn gọi là Hội đồng nhân dân thành phố).
Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thủ đô Vientiane Anouphab Tounalom, việc phân quyền của cơ quan hành chính ở Thủ đô Vientiane được bắt đầu tiến hành từ cuối năm 2000. Năm 2011, sau khi có Nghị quyết số 03/BTC về việc xây dựng tỉnh là đơn vị chiến lược, huyện là đơn vị vững mạnh, bản là đơn vị toàn diện, việc phân quyền hành chính ở Thủ đô được thực hiện một cách nền nếp. Trong đó, việc phân quyền không chỉ giao quyền và trách nhiệm mà còn gồm cả nhân sự và ngân sách.
Lãnh đạo Thủ đô Vientiane cho rằng, điểm mạnh của việc phân quyền này giúp chủ động đối với việc phát triển theo yêu cầu, thực tiễn của địa phương. Trong đó, việc thực hiện công việc có trật tự, nền nếp, đi vào hệ thống…Công cụ, phương tiện phục vụ công tác được hiện đại hơn, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức được nâng cao; bộ máy tổ chức của cơ quan quản lý cấp huyện được kiện toàn hơn trước; đầu tư trong và ngoài nước tăng lên nhanh chóng; các vấn đề xã hội cũng như của nhân dân được sự quan tâm và giải quyết nhiều hơn. Tuy nhiên, việc phân quyền cũng còn những điểm tồn tại như trách nhiệm, lĩnh vực và khối lượng công việc của cả 3 cấp được tăng nhưng quyền giải quyết các vấn đề còn hạn chế. Việc quy định quyền, nhiệm vụ trong cơ quan hành chính giữa Trung ương và địa phương chưa rõ ràng. Cơ chế phối hợp giữa trung ương, cơ quan quản lý cấp thành phố, quận/huyện và bản vẫn chưa thành hệ thống; hệ thống phối hợp giữa ngành dọc và ngang ở các cấp chưa hài hòa, hợp lý…
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn trong phân công, phân cấp của công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Savanakhet- Lào…
Đến dự và phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Hội thảo chuyên đề hôm nay là Hội thảo lần thứ hai trong nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam khóa XIV và Quốc hội Lào khóa VIII. Việc hai Quốc hội phối hợp tổ chức các Hội thảo chuyên đề đã và đang hướng tới việc hình thành cơ chế thường xuyên, phù hợp với tinh thần chỉ đạo hai Bộ Chính trị, hai Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước, nhất là trong công tác xây dựng và pháp luật. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh, ủng hộ và đề nghị hai Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp cùng nhau tổ chức các Hội nghị, hội thảo chuyên đề khác trong thời gian tới.
Đối với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh việc hoàn thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt theo luật định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận Hội thảo
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Hội thảo chuyên đề giữa hai Quốc hội tổ chức lần này còn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt, là một trong những hoạt động chính trị quan trọng nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Lào và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Lào. Đồng thời tin tưởng kết quả chuyến thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước CHDCND Lào do Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou dẫn đầu và thành công của Hội thảo hôm nay sẽ tiếp tục là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội hai nước tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi đến các cơ quan liên quan của Quốc hội, cơ quan Chính phủ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân công của mỗi nước; tiếp tục làm đầu mối cùng với các cơ quan của Quốc hội đề xuất tiếp tục chọn lựa chuyên đề thiết thực, thực chất đóng góp lớn vào hoạt động hiệu quả của Quốc hội hai nước trong thời gian tới.
Nhân dịp tết cổ truyền Bunpimay của dân tộc Lào sắp đến, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và toàn thể các vị Đại biểu Quốc hội, nhân dân Lào anh em lời chúc mừng năm mới; chúc nhân dân Lào anh em đón Tết cổ truyền vui tươi, hạnh phúc và đất nước Lào anh em thực hiện thành công các mục tiêu của Đảng nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra. Chúc tình hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
+ Theo Chương trình chuyến thăm hữu nghị chính thức nước ta của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào do Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou dẫn đầu, chiều 7/3, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou sẽ đến thăm nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Lào đến chào xã giao và dùng cơm thân mật do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì.