ĐBQH Ngô Thị Minh- Quảng Ninh: cần bảo đảm đầy đủ quyền của người chưa thành niên trong trợ giúp pháp lý

24/11/2016

Sáng ngày 10/11, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh- Quảng Ninh cho rằng diện người được trợ giúp pháp lý bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành, đặc biệt với một số nhóm yếu thế quy định trong Luật người khuyết tật và Luật trẻ em; chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý; chưa coi trọng việc phát huy vai trò của các tổ chức, các cá nhân có khả năng tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Quảng Ninh góp ý về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Đánh giá dự thảo Luật đã thể hiện khá bao quát các vấn đề về trợ giúp pháp lý, cụ thể hóa nhiều các quy định trong Hiến pháp 2013 và cơ bản đã đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, tuy nhiên, đại biểu Ngô Thị Minh cũng cho rằng dự thảo luật đã thu hẹp đáng kể phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân; chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý và chưa coi trọng việc phát huy vai trò của các tổ chức, các cá nhân có khả năng tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý và chưa tạo điều kiện để các tổ chức chuyên ngành được tham gia trợ giúp pháp lý. Dự thảo luật chưa đáp ứng và chưa tương thích với mục tiêu nêu ra trong tờ trình của Chính phủ nhằm giải quyết những bất cập, những hạn chế của hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian vừa qua, trong đó có nhận định về công tác xã hội hóa để huy động nguồn nhân lực, vật lực trong xã hội tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

Về công tác xã hội hóa trợ giúp pháp lý, theo đại biểu Ngô Thị Minh, dự thảo luật còn một số quy định chưa sát với thực tiễn  như quy định các điều kiện để các tổ chức chuyên ngành tham gia trợ giúp pháp lý phải có luật sư là chưa phù hợp. Vì hầu hết các trung tâm trợ giúp pháp lý hiện nay chỉ có tư vấn viên pháp luật, họ đang rất tích cực để tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Bên cạnh đó, tờ trình của Chính phủ cúng chỉ ra có tới 93% vụ việc trợ giúp pháp lý là tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.

Mặt khác, dự thảo luật chưa có các quy định phù hợp về cơ chế hỗ trợ và huy động sự tham gia của các tổ chức chuyên ngành và hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhóm yếu thế. Vì trên thực tế nhiều tổ chức chuyên ngành như Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội người khuyết tật, Hội người cao tuổi, v.v... được thành lập hợp pháp ở Việt Nam đã và đang cùng với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia rất trách nhiệm vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể cho các nhóm yếu thế như trẻ em, người khuyết tật.v.v...Vì vậy, đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, kế thừa chính sách trợ giúp pháp lý đã quy định tại Điều 6 của Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó có các tổ chức chuyên ngành.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, như khuyến khích phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân có kiến thức, có kỹ năng và kinh nghiệm trợ giúp cho trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật được tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý. Quy định này nhằm thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút nguồn nhân lực để thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng tại các trung tâm tư vấn pháp lý của các hội chuyên ngành được tham gia vào các hoạt động trợ giúp pháp lý chuyên sâu.

Về nhóm trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đại biểu Ngô Thị Minh nêu rõ, Điều 7 của dự thảo luật đưa ra một số nhóm trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý.  Quy định này là đúng nhưng chưa đủ số nhóm trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 30 và Điều 70 của Luật trẻ em. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần thiết kế thêm một số điều khoản mới quy định về người được trợ giúp pháp lý theo hướng: Không giới hạn quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em, không hạn chế về điều kiện kinh tế, thành phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình, địa bàn sinh sống của các em. Trong đó, đáng lưu tâm là 14 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kể cả việc phải trợ giúp pháp lý cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thuộc 14 nhóm trẻ em này, theo quy định của Luật trẻ em và theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Đại biểu phân tích, thực tế, không phải mọi trẻ em đều cần đến trợ giúp pháp lý mà nhu cầu của trẻ em chỉ nảy sinh khi các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em bị xâm hại hoặc chính các em có những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Việc thừa nhận quyền được trợ giúp pháp lý của tất cả các em sẽ không tạo ra gánh nặng cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về việc chuẩn hóa nhân sự thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân và cho trẻ em, theo đại biểu Ngô Thị Minh để tương thích với Luật trẻ em năm 2016, cần bổ sung vào Điều 16 của Luật trợ giúp pháp lý về nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc bố trí, phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có kiến thức, có kỹ năng, có kinh nghiệm trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong các vụ việc liên quan đến trẻ em; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của trợ giúp viên pháp lý vào Khoản 2, Điều 23 của dự thảo luật nội dung "được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em".

Về trình tự, thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý để trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng tuy Dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý về trình tự thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý nhưng các quy định này vẫn chưa phù hợp, chưa tạo thuận lợi cho trẻ em hoặc người đại diện hợp pháp của trẻ em, người thực hiện quyền tiếp cận yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt giấy tờ không cần thiết hoặc giảm tiện khâu trung gian, quy định để người trợ giúp pháp lý cần kịp thời nắm bắt thông tin chủ động tìm đến trẻ em thay vì ngồi chờ để trẻ em hoặc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em phải tìm đến để nộp đầy đủ đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý thì mới xem xét trợ giúp, đặc biệt với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để dự thảo Luật phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp trong các vấn đề liên quan đến người bị hại và là người dưới 18 tuổi, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm đối tượng bị hại là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng này khi các em bị xâm hại. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu đặt ra của Công ước quốc tế về quyền trẻ em và đảm bảo quyền của nhóm đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi trong việc trợ giúp pháp lý, bảo đảm đồng bộ với các dự án luật, đề nghị Ban soạn thảo cho thay cụm từ "trẻ em" thành cụm từ "người chưa thành niên" trong dự thảo luật. 

Bảo Yến