Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)

06/09/2016

Sáng 6/9, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) để chuẩn bị cho phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có các thành viên Uỷ ban Pháp luật cùng các đại diện Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp                                   Ảnh: Đình Nam

Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương, 84 điều. So với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, dự thảo Luật đã sửa đổi 47/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 37 điều.

Theo tờ trình do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trình bày, từ ngày 1/1/2010 đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết hơn 258 vụ việc yêu cầu bồi thường; trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ việc, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 111 tỷ đồng. Thực tiễn thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 cho thấy, Luật đã đi vào cuộc sống và cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều thay đổi về yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính trên đất nước ta. Thực tế đó đã làm cho Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc ban hành luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) là cần thiết.

Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2015 của Chính phủ, trong 5 năm các cơ quan đã tiếp nhận 609.999 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 214.113 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 2.346 tỷ đồng, 1.234 hécta đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 3.054 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 187 vụ, 445 người.

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá số liệu thụ lý, giải quyết như Báo cáo tổng kết có phản ánh đúng thực tế hay không; có tình trạng người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường nhưng không được thụ lý không và nguyên nhân là gì; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường cho người dân có được thực hiện đầy đủ, kịp thời không? Các đại biểu cho rằng, cơ chế giải quyết bồi thường như Luật hiện hành không có nhiều vướng mắc, kể cả trường hợp Tòa án vừa là cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường, vừa là bị đơn trong vụ kiện. Bởi nguyên tắc xét xử của Tòa án là “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Mặt khác, trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 cũng không đề cập đến vướng mắc này. Vì vậy, đa số đại biểu tán thành với ý kiến vẫn giao cho một cơ quan thực hiện như Luật hiện hành để bảo đảm tính liên tục. Trường hợp quyết định giải quyết bồi thường bị khởi kiện ra Tòa án thì cơ quan giải quyết bồi thường nắm được toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết sẽ thuận tiện hơn trong quá trình tham gia tố tụng.

Về cơ quan giải quyết bồi thường, theo quy định của Luật hiện hành, cơ quan giải quyết bồi thường nhìn chung là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại, trừ trong hoạt động tố tụng có quy định riêng. Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi mô hình cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng thu gọn một bước, giảm bớt số lượng cơ quan giải quyết bồi thường, theo đó cơ quan đầu mối giải quyết bồi thường ở cấp thấp nhất là Ủy ban nhân dân cấp huyện, còn trong đa số trường hợp là các cơ quan từ cấp tỉnh trở lên. Về vấn đề này, đa số các đại biểu tán thành với mô hình cơ quan giải quyết bồi thường theo dự thảo Luật, vì như vậy sẽ khắc phục được tình trạng có quá nhiều cơ quan giải quyết bồi thường dẫn tới việc giải quyết không thống nhất, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết bồi thường được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về tạm ứng kinh phí bồi thường, theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của dự thảo Luật, việc xác minh các thiệt hại theo hồ sơ và thương lượng bồi thường là quy trình bắt buộc trong quá trình giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, điều 50 của dự thảo Luật lại quy định việc tạm ứng kinh phí bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường có đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính được mà không cần xác minh, thương lượng. Ngoài ra, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, việc tạm ứng ngân sách nhà nước được quy định rất hạn chế, với trình tự thủ tục chặt chẽ và chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Cho ý kiến về vấn đề này, các đại biểu đề nghị, Cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này để bảo đảm thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật cũng như thống nhất với quy định tại Luật ngân sách nhà nước.

Phiên họp mở rộng của Ủy ban Pháp luật diễn ra trong 2 ngày 6/9 và 7/9, thẩm tra các dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Vân Ngọc