Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện Luật du lịch và dự thảo Luật du lịch (sửa đổi)

31/08/2016

Sáng 31/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc thực hiện Luật Du lịch và dự thảo Luật du lịch (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, Luật du lịch ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch, góp phần thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất nước, góp phần phát triển đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa và được hầu hết các địa phương đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội như một ngành kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, ngành du lịch của Việt Nam còn yếu so với các nước trong khu vực, khả năng tụt hậu của du lịch Việt Nam là rất rõ.

Để khắc phục được tình trạng trên, các đại biểu cho rằng, trước tiên cần phải sửa đổi Luật du lịch với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn, khẳng định quyết tâm phát triển du lịch, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, khai thác được nguồn lực của cả xã hội thúc đẩy cho du lịch phát triển nhanh, mạnh hơn. Đặc biệt, chú ý xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, của cơ quan quản lý để việc triển khai Luật có hiệu quả.

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần 3 có kết cầu gồm 9 Chương, 83 Điều, quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Phát biểu về nội dung kinh doanh lữ hành được quy định tại Chương 6 của dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) về nội dung này còn quá đơn giản, thiếu nhiều quy định về nghiệp vụ đối với người phụ trách kinh doanh lữ hành. Các đại biểu nhấn mạnh, nếu chỉ quy định như dự thảo thì lữ hành từ một ngành có điều kiện sẽ trở thành một ngành kinh tế đơn thuần, ai có tiền cũng có thế kinh doanh lữ hành được. Và như vậy, việc cấp phép lữ hành trở nên không cần thiết.

Khẳng định kinh doanh lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật doanh nghiệp 2014, đối tượng kinh doanh là khách du lịch Việt Nam và quốc tế, liên quan đến công tác an ninh an toàn trật tự xã hội, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần phải quy định rõ điều kiện khi cấp phép hành nghề.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) về người phụ trách kinh doanh lữ hành không phản ánh được tính chất phức tạp, đa dạng của công việc này. Theo ông, người phụ trách kinh doanh lữ hành bắt buộc phải có kiến thức sâu rộng về văn hóa, pháp luật, ngoại giao, an ninh, thương mại, gắn liền kinh doanh với bảo vệ hình ảnh của đất nước. Do vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trình độ nghề nghiệp của lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, cần phải tách bạch 3 loại hình du lịch: inbound (thu hút khách vào), outbound (bảo vệ công dân Việt Nam, hình ảnh, vị thế của đất nước) và du lịch nội địa (đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, khám phá của nhân dân). Mỗi loại hình đều cần có các quy định khác nhau về trình độ nghiệp vụ và trách nhiệm riêng để tạo điều kiện phát triển sâu cho 3 loại hình du lịch.

Liên quan đến quy định xếp hạng cơ sở lưu trú dụ lịch, đa số các đại biểu tại hội nghị đều đưa ra nhận định rằng, các cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng. Tuy nhiên, 70% các khách sạn ở Việt Nam là vừa và nhỏ, chất lượng không đồng đều, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, tăng giá tùy tiện diễn ra khắp nơi, các nhà đầu tư ít chú ý đến chất lượng dịch vụ dẫn đến tình trạng khách sạn xuống cấp rất nhanh, tính tự giác đảm bảo quy định về giá cả, chất lượng dịch vụ thấp. Do vậy, các đại biểu đề nghị cần có quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các khách sạn du lịch phải tham gia xếp hạng mới, đảm bảo được thương hiệu của hệ thống khách sạn Việt Nam, để khách du lịch yên tâm khi lựa chọn các cơ sở lưu trú khi đã được công nhận hạng bậc. Tránh trường hợp khách sạn tự phong sao hoặc quảng bá thứ hạng không đúng với chất lượng dịch vụ của mình…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Đỗ Thị Hồng Xoan, nếu quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là tự nguyện và không phải thẩm định lại như trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến nhiều bất cập. Theo đó, những cơ sở lưu trú không tham gia xếp hạng, tự quảng cáo sai thứ hạng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành và những cơ sở lưu trú kinh doanh nghiêm túc, có đăng ký xếp hạng và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Bên cạnh đó, đối với những cơ sở lưu trú không tham gia xếp hạng, cơ quan quản lý du lịch sẽ không có căn cứ pháp lý để kiểm tra, giám sát về chất lượng giá cả vì không biết cơ sở đó ở mức độ nào để yêu cầu thực hiện. Hơn nữa, cơ quan quản lý du lịch cũng không có cơ sở để thống kê, nắm bắt chất lượng thực tế của hệ thống cơ sở lưu trú để xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch theo các cấp hạng phù hợp. Vì vậy, việc bổ sung quy định bắt buộc xếp hạng đối với các loại hình cơ sở lưu trú du lịch là rất cần thiết.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung Hiệp hội Du lịch trung ương vào thành phần thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên và Hiệp hội du lịch địa phương vào thành phần thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú 3 sao trở xuống. Bởi, ở Việt Nam hiện nay, cơ sở vật chất còn hạn chế, ý thức tự giác của người đầu tư và quản lý chưa cao, tính chuyên nghiệp của dịch vụ còn thấp… Vì vậy, việc tham gia của Hiệp hội cùng cơ quan quản lý nhà nước để đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú du lịch thay vì để các cơ sở này tự xếp hạng là việc làm thiết thực và hữu ích.

Qua nghiên cứu, nhiều đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) lần 3 đề cập quá ít tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Các đại biểu cho biết, du lịch là là ngành kinh tế dịch vụ nên yếu tố nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Hiện lực lượng lao động trong ngành du lịch cả trực tiếp và gián tiếp có hơn 2 triệu người, trong đó số lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 60%. Đây chính là điểm yếu kém của du lịch Việt Nam trong cạnh tranh phát triển du lịch với các nước trong khu vực.

Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xây dựng hẳn một chương riêng về lĩnh vực thiết yếu này, tạo hành lang pháp lý cơ bản để triển khai cơ chế đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, góp phần nhanh chóng nâng cao được cả về số lượng và chấp lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đặc biệt, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) cần bổ sung quy định khuyến khích, thúc đẩy việc bán hàng cho du khách để động viên toàn xã hội đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống để phục vụ khách nhằm tăng nguồn thu cho đất nước. Bởi trong du lịch, bán hàng cho khách có vị trí vô cùng quan trọng: ở Thái Lan mua sắm chiếm 51% chi phí của khách, Singapore chiếm khoảng 45%. Các đại biểu cho biết, các nước phát triển du lịch đều coi trọng và có chính sách khuyến khích loại dịch vụ phục vụ khách du lịch (mua sắm, dịch vụ làm đẹp, thưởng thức ẩm thực truyền thống…), trong đó mua sắm là quan trọng nhất.

Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội nghị. Những ý kiến này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật du lịch (sửa đổi).

Tin và ảnh: Thu Phương