Hội thảo "Thực thi luật chuyển giao công nghệ năm 2006 của Việt Nam -thực trạng và giải pháp sửa đổi

13/08/2016

Chiều 13/8, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Thực thi luật chuyển giao công nghệ năm 2006 của Việt Nam- thực trạng và giải pháp sửa đổi" để chuẩn bị thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9/2016, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, xây dựng hệ thống các giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ lạc hậu là một trong những yêu cầu mà Nghị quyết 20 của Đảng về phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đặt ra.

Luật Chuyển giao công nghệ được ban hành năm 2006, cùng với các đạo luật có liên quan đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn cung công nghệ, tổ chức kết nối cung- cầu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa là các kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, với tiến trình phát triển kinh tế-  xã hội và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, một số quy định của pháp luật đã không phù hợp thực tế, chưa tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc chuyển giao, mua bán công nghệ, ứng dụng Khoa học và Công nghệ,… Do đó, Dự án về sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, 2017. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2016, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).

Hội thảo này nhằm mục đích lắng nghe ý kiến của các đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp… về tình hình hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật chuyển giao công nghệ 2006, các đạo luật có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, trên cơ sở tổng kết đánh giá thực trạng chuyển giao công nghệ trong 10 năm qua cùng với những phân tích, tác động của Luật chuyển giao công nghệ đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo Luật một số nội dung mới. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ tập trung vào 3 nội dung chính liên quan đến 18 điều trên tổng số 61 điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 về phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ; về quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ…

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí rằng, sau khi Hiến pháp năm 2013 và các luật mới ban hành như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật đầu tư năm 2014; Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, các Luật về thuế, có hiệu lực…, một số quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ đã không còn phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tế.

Việc thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa có chiến lược nhập khẩu công nghệ, thiếu định hướng cho việc nhập khẩu công nghệ, dẫn đến tình trạng nhập khẩu không có trọng tâm, trọng điểm, không có cơ chế, chính sách thu hút công nghệ cao trong một số ngành mà Việt Nam coi là then chốt và có thế mạnh.

Nhiều đại biểu cho rằng, thị trường công nghệ chưa phát triển đúng như mục tiêu đề ra, chưa tạo được cơ chế đột phá cho việc tạo lập nguồn cung công nghệ, thúc đẩy nhu cầu công nghệ cũng như phát triển các định chế trung gian cho thị trường công nghệ... chưa xây dựng được hệ thống các giải pháp để ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ lạc hậu như Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã đề ra.

Đồng thời, các đại biểu cũng nhận định, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ đã có nhiều chính sách mới khuyến khích, thu hút cá nhân tham gia hoạt động Khoa học và Công nghệ nhằm hình thành một thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Cụ thể như: Quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ để đảm bảo tài sản đảm bảo trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh; Quy định việc thành lập các trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo các vùng kinh tế trên cơ sở nâng cấp các Trung tâm có chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động chế tạo, thử nghiệm, hoàn thiện và làm chủ công nghệ.

Cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với một số cơ quan có liên quan đến việc chống phá giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ, tổ chức điều tra, thu nhập thông tin về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ cho quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ. Mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp...

Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định, những ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là cơ sở để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Dự án Luật do Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì soạn thảo trình; Thực hiện mục tiêu chung là ban hành được một đạo luật để tạo khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao công nghệ và phát triển mạnh mẽ thị trường Khoa học và Công nghệ nước ta.  

Tin và ảnh: Đặng Mai