Phiên họp còn có sự tham gia của các thành viên Đoàn giám sát là thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện Ban Kinh tế Trung ướng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội...
Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Theo Kế hoạch, nội dung giám sát bao gồm giám sát việc ban hành và triển khai chính sách, pháp luật về phát triển khoa học- công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học- công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015; đề xuất và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật để phát triển khoa học- công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo giai đoạn 2016- 2020.
Đối tượng giám sát lần này hướng tới các bộ, ngành Trung ương, như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…; Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố tại 7 khu vực, đó là Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; một số tổ chức khoa học- công nghệ và doanh nghiệp.
Dự kiến, chương trình giám sát được triển khai thực hiện trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thực hiện tổ chức xây dựng, ban hành Nghị quyết Tổ chức giám sát, tổ chức giám sát và hoàn thiện báo cáo giám sát bước đầu trình Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 5/2016; giai đoạn 2 tiếp tục giám sát, hoàn thiện báo cáo giám sát. Kết quả giám sát dự kiến sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2016.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, mục tiêu của giám sát là đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân với việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chủ thể chính của giám sát là các bộ, ngành và các doanh nghiệp. Đây sẽ là dịp để các doanh nghiệp, các địa phương thể hiện được mô hình, sản phẩm, kết quả trong quá trình thực hiện phát triển khoa học, công nghệ; để cử tri, nhân dân biết được hiệu quả của chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ từ đó để xuất những nội dung cần tiếp tục thực hiện.
Do đó, nếu triển khai thực hiện giám sát bằng nghe báo cáo của các địa phương sẽ không hiệu quả. Điểm mới trong cách thức thực hiện giám sát chuyên đề lần này hướng tới lựa chọn địa điểm là một số dự án trọng điểm để có đánh giá cụ thể hơn; tổ chức hội nghị theo vùng, theo chuyên đề, ngành, lĩnh vực vừa có cái nhình tổng quát toàn khu vực vừa có sự so sánh về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật giữa các địa phương.
Trao đổi tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao đề cương nội dung chương trình giám sát được chuẩn bị công phu chi tiết. Các đại biểu cho rằng, thời gian thực hiện các hoạt động giám sát cần bố trí hợp lý sao cho không trùng vào thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 và thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh những nội dung dự kiến giám sát tại các địa phương, các khu công nghiệp, chương trình giám sát cũng cần tiến hành giám sát sâu một số nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật phát triển khoa học- công nghệ trong bối cảnh hội nhập hay áp dụng khoa học- công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh.
Các đại biểu mong muốn, trên cơ sở làm việc thực tiễn tại địa phương, với các doanh nghiệp, kết quả giám sát sẽ đưa ra được những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, phát luật để phát triển khoa học- công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, thông qua giám sát sẽ phát huy được tinh thần tôn vinh sáng tạo khoa học trong mọi tầng lớp người dân, phát huy được những sáng kiến, sáng tạo khoa học – công nghệ của người dân và ứng dụng rộng rãi trong lao động sản xuất trên phạm vi cả nước.