Ảnh: Nguyễn Phương
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi khẳng định, các dự án ODA và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã mang lại nhiều kết quả tích cực và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dực và đào tạo của đất nước như: tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nâng cao kết quả học tập của học sinh, sinh viên.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhấn mạnh, mục đích của phiên giải trình hôm nay nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan, các cấp chính quyền, các đơn vị thụ hưởng Chương trình, dự án trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập trong quá trình thực hiện các dự án để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực này.
Các đại biểu dự phiên giải trình đã tập trung thảo luận về: chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát của Chính phủ đối với việc triển khai các dự án này.
Vốn ODA và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được sử dụng có hiệu quả
Giải đáp băn khoăn và chất vấn của các đại biểu Quốc hội về chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, trong giai đoạn 2004- 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, triển khai thực hiện 23 chương trình, dự án ODA viện trợ, vay ưu đãi từ bậc học mầm non đến bậc học giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các nhà tài trợ khác tài trợ với tổng kinh phí lên đến 1.799,32 triệu USD (cụ thể, 6% cho giáo dục mầm non, 54% cho giáo dục phổ thông, 38% cho giáo dục đại học, 2% cho quản lý giáo dục.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, phần lớn các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đều được đánh giá đảm bảo tiến độ thực hiện và thời hạn kết thúc dự án. Trong số các dự án thuộc giai đoạn 2004- 2014, có 12 dự án đã kết thúc và 11 dự án đang triển khai. Vốn đầu tư của các dự án ODA tập trung xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học- chiếm khoảng 60%, kinh phí cho các hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng, tư vấn chuyên môn… chiếm khoảng 40%. Trong đó, hoàn thành được 26.242 phòng thư viện, thí nghiệm, máy tính… đạt 105% so với mục tiêu; cung cấp được 72.089 bộ bàn ghế học sinh, 3.487 bộ bàn ghế giáo viên, 19.284 trường được trang bị thiết bị dạy học, đạt 101% mục tiêu.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, các nhà tài trợ đều hài lòng với kết quả thực hiện dự án và hiệu quả sử dụng kinh phí. Điều đó là cơ sở để các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2 cho nhiều dự án như: Dự án phát triểm giáo dục trung học cơ sở giai đoạn 2, dự án phát triểm giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2…
Nhìn chung, trong giai đoạn 2004- 2014, nguồn vốn ODA và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được đã sử dụng hiệu quả. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã được bổ sung nguồn lực đáng kể để tăng cường cơ sở vật chất trường học, đổi mới trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng giáo viên… góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là tại các khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.
Tăng cường trách nhiệm theo dõi, giám sát
Theo báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc về giáo dục và đào tạo, có một số địa phương đã tự ý điều chuyển kinh phí từ chương trình, dự án này sang dự án khác, trong khi nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình, dự án được giao chưa hoàn thành nhưng cũng không báo cáo về Ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương. Bên cạnh đó, một số địa phương không tập trung ưu tiên đúng mức cho các mục tiêu Trung ương đã đề ra. Có thể kể đến như: dự án đầu tư cơ sở vật chất cho 48 trường phổ thông dân tộc nội trú chưa được hoàn thành. Vốn đầu tư cho dự án còn thiếu 80% so với vốn đã phê duyệt.
Từ những hiện thực trên, nhiều đại biểu có chung băn khoăn, phải chăng đã có sự lơi lỏng trong việc quản lý, theo dõi, giám sát đối với việc triển khai các chương trình, dự án. Cơ chế phân cấp quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo ở một số tỉnh, thành phố chưa phân rõ vai trò, trách nhiệm chính, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý điều hành chung, đặc biệt là công tác giám sát, chỉ đạo thực hiện và tổng hợp báo cáo định kỳ của địa phương.
Trả lời các đại biểu về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi chương trình có nhiều dự án, địa phương hoàn toàn có thể điều chuyển kinh phí từ dự án này sang dự án khác miễn là đảm bảo chương trình đó được hoàn thành đúng mục tiêu và tiến độ đề ra. Tuy nhiên, việc điều chuyển này không hề được báo cáo lại nên Ban quản lý Trung ương cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt cụ thể tình hình thực tế của từng dự án trong mỗi chương trình.
Các đại biểu cho rằng, nhất thiết cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng tùy tiện điều chuyển dự án không đúng với mục tiêu ban đầu Trung ương đề ra; cũng như tình trạng các địa phương không tuân thủ nghiêm túc chế độ báo cáo, lập kế hoạch triển khai dự án thành phần ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả chung của dự án. Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương cũng cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt trách nhiệm đánh giá, theo dõi, giám sát của mình.
Kết thúc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi đánh giá phiên giải trình đã diễn ra khẩn trương, tích cực, với tinh thần dân chủ nghiêm túc; lãnh đạo các Bộ, ngành đã giải trình thẳng thắn với tinh thần cầu thị, góp phần làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm, nhận rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước và những vấn đề có liên quan.
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội và nội dung giải trình, Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có chất lượng và đạt hiệu quả cao.
Trong thời gian tới, đề nghị tiếp tục chuẩn bị định hướng chiến lược kế hoạch thu hút, vận động vốn ODA cho giáo dục và đào tạo trong thời gian tới với những chương trình, dự án cụ thể trong giai đoạn 2016- 2020.