Quốc hội tiếp tục đổi mới để bảo đảm thực thi có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo
áng 8.12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo với chủ đề "Quốc hội Việt Nam - 70 năm hình thành và phát triển". Tham gia hội thảo có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đông đảo các nhà khoa học. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua chặng đường vẻ vang, xây dựng chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Quốc hội giúp khơi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết toàn dân, góp phần bảo vệ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng phát triển đất nước và giám sát tối cao.
Từ khóa I đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp, hơn 1.000 văn bản Luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện trí tuệ, sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao của các nhà lập pháp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “Bên cạnh những đổi mới cải tiến nhằm tăng số lượng văn bản luật được thông qua tại mỗi kỳ họp, Quốc hội cũng không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp của mình. Tiếng nói, ý nguyện của cử tri ngày càng được phản ánh rõ nét trong các văn bản luật được thông qua tại Quốc hội. Hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới, nội dung tập trung vào các vấn đề lớn, bức xúc của cuộc sống. Quy trình thủ tục, cách thức giám sát có nhiều cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm”.
Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích ý nghĩa lịch sử, bài học thành công của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên; làm rõ quá trình gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng dân tộc của Quốc hội Việt Nam trong 70 năm qua. Từ đó xác định và phát huy đúng đắn vai trò của Quốc hội trong cải cách thể chế; nêu cao bài học về phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân của Quốc hội Việt Nam; phân tích những kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội để làm cơ sở cho đổi mới trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Hiệu quả của giám sát suy cho cùng là đưa ra các kiến nghị đem lại thay đổi tích cực trong thực tế, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và dư luận xã hội. Điều đó đòi hỏi các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội phải tiến hành công phu, khắc phục tình trạng giám sát hình thức với những kiến nghị chung chung, mang tính định hướng nhưng thiếu cụ thể. Thứ ba là khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, theo chiều rộng mà thiếu chiều sâu. Điều đó chỉ có thể được thực hiện bằng giám sát chuyên đề với các chủ thể giám sát cụ thể, thiết thực. Theo kinh nghiệm trên thế giới thì chỉ tập trung giám sát Chính phủ trong việc thực hiện ngân sách nhà nước”.
Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, Quốc hội nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới để bảo đảm thực thi có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng những đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp, hiện đại.
Theo Lê Thơm-Minh Châm (VOV)