Công khai, minh bạch các thủ tục tố tụng

21/05/2015

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, chiều 20/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập: Tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ không đủ căn cứ khởi tố hình sự tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao việc; áp dụng biện pháp tạm giam còn biểu hiện lạm dụng; việc giải quyết một số vụ án còn kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu; còn một số trường hợp vi phạm thời hạn, nhất là thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thời hạn xét xử; công tác điều tra, phát hiện tội phạm vẫn còn có điểm hạn chế, thiếu sót và vi phạm cần được khắc phục.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, sở dĩ công tác tố tụng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế là do Quy định về các nguyên tắc cơ bản còn chưa đầy đủ và chưa phù hợp; Quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn chưa rõ ràng và toàn diện; Quy định về chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự còn nhiều tồn tại, vướng mắc…

Tờ trình khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết để tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) như đã thể hiện trong Tờ trình. Dự thảo Bộ luật có tổng số 486 điều, tăng 140 điều so với Bộ luật hiện hành, trong đó sửa đổi 294 điều, bổ sung mới 172 điều, bãi bỏ 26 điều, chỉ giữ nguyên 20 điều. Với phạm vi sửa đổi rộng, cơ bản và hầu hết các điều luật như vậy, nhất trí với tên gọi là dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) hoặc dự án Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần bổ sung quan điểm chỉ đạo sửa đổi cụ thể hơn như việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần này phải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp 2013, của cải cách tư pháp về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm các thủ tục tố tụng công khai, minh bạch, dân chủ, đơn giản để người dân dễ tiếp cận công lý.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với việc dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án; tán thành với quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp bộ; cơ bản tán thành với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát để “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra” và một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để cơ quan này thực sự là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý.

Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ thêm cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong hoạt động tố tụng như: trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát, trách nhiệm của Viện kiểm sát khi đưa ra những yêu cầu, quyết định tố tụng; trách nhiệm của Tòa án đối với các quyết định tố tụng của Viện kiểm sát; đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định bảo đảm tính độc lập xét xử của mỗi cấp Tòa án, tránh sự can thiệp của Tòa án cấp trên vào việc xét xử của Tòa án cấp dưới.

Về các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, dự thảo đã bổ sung một số nguyên tắc mới, loại bỏ những quy định không mang tính nguyên tắc và lồng ghép nhiều nguyên tắc thành một nguyên tắc.  Hiện tại, Dự thảo Luật chỉ còn 10 nguyên tắc cơ bản, giảm 20 nguyên tắc so với Bộ luật hiện hành.

Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý lại, bảo đảm từng nguyên tắc phải gọn, chính xác, có tính định hướng cơ bản để dễ hiểu, dễ áp dụng; đồng thời cụ thể hóa hơn nội dung một số nguyên tắc theo Hiến pháp 2013 như: “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội”; “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”, “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”, “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”. 

 Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Dự án Bộ luật tố tụng hình sự sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận vào chiều ngày 17/6 tới. 

Hồ Hương - Nguyễn Phương