Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ LĐ, TB và XH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012

13/02/2014

Sáng 11/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với Bộ LĐ, TB và XH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012.

 Theo báo cáo của Bộ LĐ, TB và XH, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống 12,1% năm 2008 và 9,45% năm 2010, hoàn thành kế hoạch trước 1 năm so với mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo giảm xuống còn 37%, hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2010 - 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 11,76% năm 2011 và 9,6% năm 2012, năm 2013 còn khoảng 7,6 - 7,8%.

Hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn; người nghèo tiếp cận được các chính sách trợ giúp của Nhà nước; một số chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Các chính sách đối với hộ cận nghèo bước đầu được hình thành, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, do có nhiều chính sách, nhiều đầu mối quản lý, chưa tập trung nên hiệu quả chính sách tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa rõ nét; chuẩn nghèo còn thấp, chưa được cập nhật CPI hàng năm dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa phản ánh đúng thực tế; tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao…

Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Đồng thời, yêu cầu Bộ LĐ, TB và XH cần chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giảm nghèo, cơ quan tổng hợp, chủ trì, hỗ trợ theo dõi, đánh giá công tác giảm nghèo, đặc biệt là trong việc điều hòa, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan. Đánh giá bổ sung một số nội dung về huy động và sử dụng nguồn lực cho giảm nghèo như tiêu chí để phân bổ, sử dụng nguồn lực; mức độ phù hợp của các tiêu chí; hệ thống theo dõi, quản lý nguồn lực; giải pháp bù đắp thiếu hụt về nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, cần đánh giá tình hình tái nghèo, phát sinh nghèo mới, cận nghèo trong giai đoạn 2005 - 2012; thực trạng về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là một số dân tộc ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; việc phân cấp thẩm quyền trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giữa Trung ương và địa phương; những giải pháp đã thực hiện, kết quả và những hạn chế, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.

 

Lê Hoa

(http://daibieunhandan.vn)