Sau chuyến đi thực tế tìm hiểu Việt Nam, ấn tượng của anh về Việt Nam là một "con hổ kinh tế" đang tăng trưởng nhanh chóng.
Bài báo cho biết, hầu hết những người mà tác giả John Beveridge gặp và tiếp xúc trong thời gian ở Việt Nam đều còn rất trẻ. Anh nhận định Việt Nam là một trong những nước có điều kiện nhân khẩu thuận lợi nhất trên thế giới, với gần 6% trong tổng số 86 triệu người dân ở độ tuổi trên 65 và tỉ lệ sinh cao. Trong khi đó, hầu hết các nước phương Tây đều phải chịu tác động kép của dân số đang già đi nhanh chóng, vừa làm giảm năng suất lao động vừa tăng sức ép lên hệ thống y tế.
Tác giả nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu như chế tạo, may mặc, giày dép, dầu mỏ và các dịch vụ công nghệ thông tin. Các sản phẩm nông nghiệp truyền thống vừa duy trì được chỗ đứng tại thị trường Việt Nam vừa là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh. Du lịch Việt Nam cũng đang thể hiện tiềm năng, với vẻ đẹp thiên nhiên, món ăn tuyệt vời, người dân thân thiện, hiếu khách và có trình độ văn hóa cao.
John Beveridge cho biết, lý do của tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm vừa qua là Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế tập trung bao cấp sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường - tiến trình được biết đến với cái tên "Đổi mới". Australia là thị trường lớn thứ tư của hàng xuất khẩu Việt Nam, đã nhanh chóng thành lập các đại diện ở Việt Nam sau khi nước này mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Bài báo đã liệt kê những công ty tên tuổi như Hãng Bảo hiểm QBE, Công ty Thép Bluescope, Ngân hàng ANZ, Công ty nước giải khát Foster's, Ngân hàng Commonwealth,.. trong số hơn 100 công ty Australia đang làm ăn tại Việt Nam./.