Cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực

26/03/2008

Thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, trong vòng 5 năm, từ 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp lên tới trên 366.000ha, chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng, bình quân khoảng 73.000 ha/năm.

 Tốc độ chuyển đổi đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, đô thị đang trở thành nguy cơ hiện hữu đối với việc bảo đảm an ninh lương thực, đời sống việc làm ở nông thôn nước ta.

Nông dân mất đất, mất việc

Theo tính toán của Cục Hợp tác xã - Phát triển nông thôn, Bộ NN và PTNT, mỗi ha đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong giai đoạn 2001-2005 đã làm đời sống của 2,5 triệu người bị lung lay. Đáng chú ý là sau khi mất đất, nhiều nông dân cũng mất luôn nguồn thu nhập chính trước kia vốn dựa vào nông nghiệp bởi không thể tìm được việc làm mới. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp vào lấy đất đều đưa ra cam kết là sẽ tạo công ăn việc làm cho người mất đất nhưng khi đã hoàn thành xong dự án thì chỉ lấy rất ít lao động tại chỗ với lý do không có trình độ, không được đào tạo.

Cục Hợp tác xã - Phát triển nông thôn đưa ra con số thống kê có tới 67% số lao động mất đất vẫn phải “bám” nghề nông để sống và 20% nghề nghiệp không ổn định. Có nghĩa là, chỉ có 13% lao động tìm được công việc mới. Hà Tây là địa phương có số lao động mất việc làm lớn nhất do thu hồi đất, lên tới 35.700 người, kế đến là Vĩnh Phúc (22.800 người), Đồng Nai (12.300 người)... Điều đáng lo ngại hơn là có tới 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất. Viện Nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn (IRARD) cảnh báo, những thôn, xã có diện tích thu hồi chiếm hơn 1/3 đất nông nghiệp đều không đảm bảo lương thực, nhìn rộng ra hơn, nguy cơ mất an ninh lương thực trên phạm vi cả nước đã bắt đầu xuất hiện trước tình trạng các khu công nghiệp đều lấy đất “bờ xôi ruộng mật”, gần đường giao thông, đã có cơ sở hạ tầng để phát triển.

Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Tuất lo ngại, trái đất ấm lên, việc sử dụng lương thực làm nguyên liệu, hiện tượng sa mạc hoá... đang là những nguy cơ hiện hữu đe dọa an ninh lương thực. Việt Nam cần làm sao bảo đảm 35-36 triệu tấn gạo/năm, xuất khẩu 5 triệu tấn và bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Diện tích đất lúa có thể giảm hơn 10.000ha/năm nhưng phải bảo đảm tổng sản lượng bằng cách tăng năng suất, nâng cao giá trị lúa trên một đơn vị diện tích.

Khó giữ đất lúa

PGs.Ts Nguyễn Trí Hoàn- Phó Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm nêu thực tế: Địa phương thấy trồng lúa không có lời nên đổ xô làm công nghiệp hết. Nguy hại ở chỗ là khu công nghiệp có thể mọc lên bất cứ chỗ nào, nhất là những vùng ven đường lớn, bất chấp đất trồng lúa màu mỡ “bờ xôi ruộng mật”. Tỉnh nào cũng chạy đua trải thảm đỏ nên tốc độ mất ruộng lúa rất lớn, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tây... Trong khi đó, để thành đất ruộng trồng lúa phải mất hàng nghìn năm. Đất phục vụ công nghiệp giờ có muốn quay lại trồng lúa là không được nữa. Và cũng do các tỉnh được trao gần như toàn quyền quyết định trong phát triển các khu công nghiệp tại địa phương nên doanh nghiệp chỉ đâu, tỉnh cắm đất ngay ở đó. Trong khi, lẽ ra, các vùng trọng điểm trồng lúa như đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung, Bắc Bộ phải giữ lại trồng lúa, bởi đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, an ninh lương thực. Trên thế giới, ngay với các nước giàu vẫn phải bỏ tiền ra giữ đất trồng lúa - PGs.Ts Nguyễn Trí Hoàn cho biết.

Bộ NN và PTNT đang xây dựng đề án về Chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8.2008. Trong đó, yêu cầu đặt ra trước tiên là bảo đảm diện tích lúa ít nhất là 3,8- 4 triệu ha. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, lấy đất làm công nghiệp cũng là việc tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng quan trọng là làm thế nào. Tuy nhiên, việc giữ đất lúa không dễ khi Việt Nam vẫn đang thiếu một bản quy hoạch cụ thể về đất nông nghiệp. Chính vì không có khung cụ thể, được phê duyệt ở cấp cao, mang tính chất pháp lý cho chính quyền địa phương nên nhiều nơi vẫn tiếp tục lấy đất lúa để làm công nghiệp, với cái nhìn ngắn hạn “ngân sách đầy hơn nhờ nguồn thuế”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nguồn tài nguyên của đất nước có hạn, do vậy, các địa phương cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi sử dụng.

 

Đình Long

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)