|
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn |
Hội nghị Doanh nghiệp miền Duyên hải phía Bắc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng (VCCI) vừa tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp bày tỏ những vướng mắc, bức xúc của mình trong quá trình hoạt động. Thời gian qua VCCI luôn giữ vai trò là cầu nối để thu thập kiến nghị của doanh nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngành chức năng xem xét giải quyết.
Hầu hết các tham luận tại hội nghị của doanh nghiệp đều tập trung làm rõ những thuận lợi, khó khăn và những rào cản, vướng mắc thường gặp, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp như: cơ chế, thủ tục rườm rà, chồng chéo, chưa rõ ràng; quỹ đất và các ưu đãi khác dành cho doanh nghiệp chưa được chính quyền địa phương, ngành chức năng giải quyết, quan tâm thoả đáng…
Bà Trần Thị Sinh Duyên, Chủ tịch Chi hội dệt may Đông Bắc- Hiệp Hội Dệt may Việt Nam bày tỏ: Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, ngành dệt may trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng dệt của các nước tràn vào khi thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình WTO. Các doanh nghiệp may phải cạnh tranh về giá cả, mẫu mã đẹp hơn và chủng loại hàng hoá cũng phong phú hơn, đảm bảo thời gian giao hàng. Thực tế, hàng dệt may giá rẻ vẫn ùn ùn được nhập lậu qua các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn, đã làm tiêu tan mọi ý định tiếp cận với thị trường nội địa của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Thua trên “sân nhà” với trên 85 triệu dân là một nỗi đau của các doanh nghiệp trong nước… Sức ép từ phía bên ngoài là vậy, còn nội tình trong nước cũng không kém, như: giá cả tăng kéo theo chi phí ngành dệt may tăng ít nhất 15%, trong khi tiền gia công nhận được lại liên tục bị giảm xuống do sự cạnh tranh từ các nước và do đồng USD ngày càng xuống giá; áp lực đòi tăng lương của người lao động ngày càng cao; ngành hải quan coi việc sử dụng phế liệu mà doanh nghiệp chắt chiu được nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động là sai phạm và phải đóng thuế nhập khẩu nữa thì nguy cơ đóng cửa nhà máy sẽ lại càng đến gần hơn… Cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang cần sự trợ giúp từ phía VCCI và cần một cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước đối với hoạt động của họ.
Cùng tâm trạng bức xúc với bà Trần Thị Sinh Duyên, ông Lê Mạnh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Đình Vũ (Hải Phòng), đơn vị chuyên sản xuất phôi thép thương phẩm cung cấp cho các nhà máy cán thép xây dựng và kinh doanh thương mại cho rằng: Hiện tại, hầu hết các cơ sở sản xuất phôi thép trong nước đang sử dụng tới 85 đến 90% nguồn sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào. Thế nhưng, do các văn bản, thông tư… của Nhà nước chưa thật rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng các văn bản, thông tư này vào thực tế đối với các cơ quan chức năng chưa chuẩn xác. Do đó mà gần 7.000 tấn thép phế ép đóng bánh, trong đó có 16 container (bằng 400 tấn) thép phế liệu mỏng (LMS) đóng bánh của doanh nghiệp đã bị lưu giữ tại Cảng Hải Phòng. Thực tế, các lô thép phế của doanh nghiệp chưa hoàn toàn sạch, có dính bẩn, dầu mỡ, bụi nhưng với tỷ lệ rất ít... Trong khi tại điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường chưa quy định rõ sắt thép phế liệu “làm sạch” ở mức độ nào mới được phép nhập khẩu nên gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc áp dụng kiểm tra, kiểm soát loại hàng này khi doanh nghiệp nhập khẩu. Chính vì vậy mà toàn bộ lượng hàng trên của các doanh nghiệp còn đang nằm tại Cảng, chưa giải phóng được…
Còn ông Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài quốc doanh Quảng Ninh nói: Bên cạnh những lợi ích mà WTO mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Quảng Ninh nói riêng đang gặp không ít những khó khăn và thách thức, sức ép cạnh tranh rất lớn khi kinh doanh nội địa có sự hiện diện của các “đại gia” quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp Quảng Ninh phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu, thiếu kỹ năng tác nghiệp, nhưng lại là nơi thu hút nhiều lao động nông thôn, phổ thông… Để giải quyết khó khăn này, ông đề nghị Nhà nước tiếp tục có giải pháp mạnh về quy hoạch mặt bằng, tạo quỹ đất sạch có đầu tư cơ sở hạ tầng, giá cả hợp lý nhằm tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập có mặt bằng để tổ chức sản xuất. Mặt khác, Chính phủ có những chương trình hỗ trợ ưu tiên cho các doanh nghiệp về nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng tổ chức sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các ưu đãi khuyến khích đầu tư, áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất kinh doanh…
Đó chỉ là 3 ý kiến của 3 doanh nghiệp trong hàng nghìn doanh nghiệp nói lên những trăn trở, khó khăn của họ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ đang rất cần một cơ chế phù hợp, một sự trợ giúp nhiều hơn nữa từ Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng. Tuy nhiên, nói như Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng, Phí Văn Dực: Hội nhập vào sân chơi lớn WTO, cùng với sự trợ giúp của Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước cần phát huy nội lực, mở rộng đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh và tạo động lực để đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách của Việt Nam phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước cũng phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá để tăng sự cạnh tranh mới.../