Toàn cảnh buổi làm việc
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Uỷ viên thường trực Hội đồng Dân tộc; Đại diện Thường trực các Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, Uỷ ban Kinh tế. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đại diện các đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có 52 dân tộc có học sinh, sinh viên cử tuyển, vẫn có một số dân tộc thiểu số rất khó tuyển sinh, thậm chí dân tộc La Hủ và dân tộc Lự chưa có học sinh cử tuyển.
Giai đoạn đầu từ 2007 đến 2013, chính sách cử tuyển đã thu hút được học sinh của 55/63 tỉnh thành, trung bình khoảng 2000 học sinh mỗi năm, cơ bản đã được bố trí việc làm, góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người đân tộc thiểu số có trình độ ở địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ học sinh cử tuyển trên toàn quốc giảm xuống nhanh, đến nay chỉ còn 8 tỉnh với 78 học sinh cử tuyển, hơn nữa có nhiều em phải học lại với thời gian kéo dài.
Hiện nay chất lượng đào tạo còn thấp, đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu là vấn đề bất cập nhất. Trong giai đoạn 2010-2017 có 2.202/3.774 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển được bố trí việc làm (Chiếm 58,35%) còn khoảng gần 42% sinh viên ra trường chưa được bố trí việc làm. Trước những bất cập trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến có sự điều chỉnh về chính sách qua Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Do đó, thời gian tới chỉ còn 2 đối tượng được tham gia cử tuyển là người dân tộc thiểu số rất ít người và người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có rất ít cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, các đại biểu của Hội đồng Dân tộc lo ngại thời gian tới sẽ có sự phân định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Do đó số xã, thôn đặc biệt khó khăn sẽ thu hẹp lại, các đối tượng được cử tuyển theo đó cũng sẽ thu hẹp. Mặt khác cần phải được đánh giá nhu cầu từ thực tiễn để xây dựng các tiêu chí phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng một số đối tượng thuộc lực lượng vũ trang như lực lượng biên phòng cũng cần có cán bộ dân tộc được cử tuyển. Thứ hai, trong số dân tộc rất ít người hiện nay có 16 dân tộc trong đó có dân tộc Ngái là dân tộc rất ít người nhưng trình độ nguồn nhân lực rất cao trong khi nhiều dân tộc không phải là rất ít người nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp nên cần có chính sách cử tuyển hơn. Mặt khác, cần có tiêu chí và định lượng cụ thể. Dự thảo quy định đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có rất ít cán bộ, công chức, viên chức. Ít là bao nhiêu và đặc biệt nảy sinh trường hợp cán bộ công chức viên chức là người dân tộc thiểu số đủ nhưng không phải đại diện cho cộng đồng dân tộc sinh sống ở vùng đó. Ví dụ cán bộ dân tộc người Thái nhưng người dân chủ yếu của vùng đó chủ yếu là dân tộc Mông, như thế cũng là không phù hợp.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cần nghiên cứu chính sách cho con em đồng bào dân tộc thiểu số học phổ thông có học lực khá giỏi trở lên thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, Các địa phương cần có có kế hoạch đào tạo học sinh cử tuyển, bồi dưỡng cho các vị trí chức danh ở các cấp tỉnh, huyện xã, theo từng giai đoạn cụ thể trong cả giai đoạn dài ít nhất là 5 năm và tiến tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ trí thức cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là những vấn đề mà thời gian tới Bộ sẽ tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo, đảm bảo giải quyết được những bất cập về hiệu quả cử tuyển trong thời gian tới, nâng cao nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đều cho rằng, đây là những vấn đề mà thời gian tới cần phải nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu từ cơ sở, không chỉ dựa vào tổng dân số của các dân tộc để áp dụng chính sách cử tuyển, chính sách cử tuyển cần phải dựa vào nhu cầu địa phương chứ không thể áp đặt bởi có những địa phương nếu không có chính sách cử tuyển thì rất khó để đảm bảo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số. Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ việc bố trí cán bộ phải phù hợp với cơ cấu, điều kiện cụ thể của địa phương.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, vấn đề tiêu chí và đối tượng cử tuyển còn cần nhiều thêm nhiều ý kiến đóng góp trong thời gian tới, dự kiến Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ tổ chức thêm Hội nghị toàn thể để xin ý kiến các đại biểu góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Đồng thời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các bộ ban ngành nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ, đào tạo thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.