Các đại biểu dự buổi làm việc
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo; Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng vao, biên giới với hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đoàn Giám sát đã khảo sát tại doanh nghiệp khoa học duy nhất trên địa bàn tỉnh với mô hình mô hình nuôi cấy mô, ươm cây dược liệu Thiết bì Thạch hộc của công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà tại tỉnh Cao Bằng, đây là giống cây quý nhưng đang bị mai một dần, việc triển khai mô hình đã góp phần bảo tồn nguồn gen cây dược liệu quý hiếm và mở ra hướng đi mới cho người dân trong vùng.
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tuyển chọn, đưa vào thực hiện 94 đề tài cấp tỉnh và 4 đề tài cấp cơ sở trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, văn hoá xã hội, công nghiệp. Ngoài ra, Cao Bằng tập trung thực hiện các chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ theo các quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, qua giám sát, các đại biểu băn khoăn cho rằng một trong những bất cập hiện lớn nhất là việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình còn quá thấp trong khi đó nguồn nhân lực thì rất hạn chế bởi theo.
Bà Trần Thị Hoa Ry cho phân tích rằng về nguồn nhân lực, báo cáo cho thấy cả giai đoạn 2011-2030 đào tạo được 5 cán bộ kỹ thuật và 30 hộ nông dân, như vậy là quá ít cho cả một giai đoạn. Về kinh phí mặc dù đã dành được trên 147 tỷ cho nguồn khoa học công nghệ nhưng theo Luật Ngân sách quy định ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ chiếm 2% tổng chi ngân sách địa phương, nhưng trong giai đoạn này chỉ bố trí khoảng 0,3% ngân sách như vậy là quá ít, cần phải phân tích rõ hơn các bất cập.
Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho rằng nguồn lực phải đảm bảo phân bổ ngân sách cho sự nghiệp khoa học công nghệ cho khoa học công nghệ đang bị manh mún, chưa có sự liên kết giữa các địa phương có lợi thế tương đồng, chưa tạo được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sự liên kết còn mạnh mún, chưa khai thác được thế mạnh của vùng.
Bà Vương Ngọc Hà - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, đề nghị tỉnh cần có sự lồng ghép nguồn lực đặc biệt là sắp tới đây khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ có nhiều nội dung thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ.
Giải pháp cho vấn đề nguồn nhân lực khoa học công nghệ ý kiến của các nhà khoa học cho rằng cần có sự phối hợp và tận dụng đội ngũ nghiên cứu khoa học từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong khu vực và trên cả nước.
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, và GS.TS Phạm Hồng Quang cùng chung quan điểm là cần tận dụng nguồn nhân lực từ các viện, trường để phát triển khoa học công nghệ cũng là một giải pháp tốt trong bối cảnh hiện tại khi mà nguồn nhân lực ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn thiếu rất nhiều.
GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết Đại học Thái Nguyên có khoảng 800 nhà khoa học và mong nuốn có sự phối hợp với các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ khoa học, qua đó cũng là cơ hội để các nhà khoa học có thêm kiến thức thực tiẽn.
Qua khảo sát cũng như báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cho thấy mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng giai đoạn từ 2011 đến 2020 đầu tư cho khoa học công nghệ tại Cao Bằng mới bố trí được gần 148 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,3% tổng chi ngân sách địa phương; chưa lồng ghép được các nguồn lực trong khi đó các đề tài đã triển khai được chuyển giao còn rất hạn chế, mới chỉ dừng lại ở bước sơ khai, hàm lượng khoa học của sản phẩm chưa nhiều nên chưa kết nối theo chuỗi được, khó khăn trong thị trường đầu ra, không liên kết được các vùng.
Ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cho biết thời gian qua rất hiếm dự án nào khép kín từ nghiên cứu đến khi có sản phẩm hàng hoá trên thị trường bởi cần nguồn đầu tư khá lớn trong khi đó cơ chế lồng ghép nguồn lực thì rất khó khăn, gần như không lồng ghép được.
Kết luận sau quá trình khảo sát thực tế và làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đồng tình với những khó khăn và kiến nghị của tỉnh; cho rằng cần có đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để sử dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu đồng thời kết hợp để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; Cần có chính sách ưu tiên trong nguồn vốn, đất đai, nhân lực và các chính sách ưu tiên đồng thời phải tập trung đầu tư các dự án lớn, đủ mạnh cả về vốn, nhân lực và công nghệ, bắt đầu từ phòng thí nghiệm đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, muốn vậy cần liên kết được doanh nghiệp, liên kết theo chuỗi để đảm bảo thị trường cho các sản phẩm nghiên cứu. Quan trọng nhất là cần phải thay đổi tư duy trong bố trí nguồn lực cho khoa học công nghệ cả bao gồm cả việc tạo cơ chế để lồng ghép các nguồn lực.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị địa phương cần xác định tập trung nghiên cứu một số nhiệm vụ khoa học như: Bảo tồn văn hoá, an ninh chính trị, tôn giáo, đoàn kết dân tộc, cụ thể hoá chính sách trong điều kiện của tỉnh; Các vấn đề về tư pháp, tổ chức thực hiện pháp luật; đặc biệt là cần xác định cây con chủ lực, định hướng phát triển hàng hoá với cấp quy mô lớn hơn, có thể liên kết cấp vùng, cấp tỉnh...
Những ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020" tổng hợp báo cáo. Đây cũng là cơ sở để triển khai thực hiện một trong những nội dung trọng tâm và ưu tiên trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi