Mường Tè là huyện miền núi thuộc tỉnh Lai Châu với đường biên giới dài hơn 130km giáp với Trung Quốc, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 94%. Toàn huyện có 13 xã và 1 thị trấn trong đó có 11 xã đặc biệt khó khăn, 6 xã biên giới trong đó có 3 xã biên giới có dân tộc ít người đang hưởng Đề án phát triển vùng đồng bào các dân tộc "Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao" của Chính phủ.
Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2018 tỷ lệ giảm nghèo hàng năm là 6,4%, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2018 là 42,35%. Trong số hộ nghèo gần 100% là người dân tộc thiểu số, miền núi. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,2 triệu/người. Giai đoạn 2012-2015 có 1 xã, 11 thôn bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016-2108, có 16 thôn bản thoát khỏi thôn bản đặc biệt khó khăn và dự kiến đến năm 2020 có thêm 2 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên chương trình, dự án triển khai còn chậm; việc huy động và lồng ghép nguồn lực còn hạn chế, các mô hình giảm nghèo chưa có hiệu quả cao, việc giảm nghèo chưa bền vững, việc phân cấp còn nhiều khó khăn do trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Các đại biểu tập trung thảo luận về việc phân định có phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển. Việc phân định như hiện nay đã phù hợp chưa? Có cần có đặc điểm đặc thù gì khác? Các huyện, xã vùng biên giới có cần chính sách riêng hay không? Nên phân định thế nào để đạt được tính khách quan và công bằng trong thụ hưởng chính sách nói chung và chính sách đặc thù nói riêng. Các dân tộc thiểu số rất ít người, trình độ phát triển thấp, có cần có chính sách dân tộc thiểu số ít người, hay từng dân tộc có đặc điểm khác có cần chính sách riêng hay không? Việc phân cấp hiện nay như thế nào? Nguồn lực để thực hiện hiện nay ra sao? Thực trạng xung quanh vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất, chi phí môi trường rừng. Bên cạnh đó cũng làm rõ thêm các kiến nghị và giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo tại một huyện miền núi vùng cao với gần 94% đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù công tác giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng nhưng do vị trí địa lý và địa hình cùng các điều kiện tự nhiên, xã hội nên huyện Mường Tè vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức về việc di cư tự do; thiếu đất ở, đất sản xuất; thiên tai sạt lở, giao thông đi lại khó khăn, điểm xuất phát của một số đồng bào như La Hủ, Mảng... thấp, trình độ dân trí còn hạn chế.
Qua thực tiễn tại địa phương, lãnh đạo huyện Mường Tè cho rằng, cần phải tăng hỗ trợ gián tiếp và hỗ trợ động lực là chính, cần đầu tư kết cấu hạ tầng cho đồng bào vùng sâu vùng xa, tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy nhận thức cho đồng bào, chỉ hỗ trợ trực tiếp trong những trường hợp đặc biệt, tăng chi phí dịch vụ môi trường rừng để người dân sống được từ rừng; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, chính sách về cán bộ linh hoạt hơn, tăng tính phân cấp phân quyền. Đặc biệt là cần phải có các chính sách riêng cho các xã biên giới và các dân tộc đặc thù như La Hủ, Mảng... Chỉ có những chính sách như thế này mới giảm nghèo bền vững cho huyện Mường Tè.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Trưởng Đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những nỗ lực của huyện và cho rằng trong thời gian tới huyện cần phát huy lợi thế về rừng và tiềm năng về thuỷ điện. Đây là hai tiềm năng lớn tác động đến cả nước, đến an ninh năng lượng, môi trường, khí hậu, điều tiết lụt bão ở hạ du, vì vậy cần có chính sách đặc thù đối với các địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng, để người dân đảm bảo cuộc sống từ rừng. Đồng thời, Trưởng Đoàn giám sát cũng cho rằng các kiến nghị của huyện Mường Tè là có cơ sở, nhất trí rằng cần thiết phải có chính sách riêng cho các xã vùng biên giới, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với biên giới. Các chính sách này không chỉ nhằm ổn định dân cư, phát triển kinh tế làm chỗ, còn để đảm bảo quốc phòng an ninh. Xây dựng thế trận lòng dân thì phải có dân đồng thời phải xây dựng cơ sở hạ tầng và đảm bảo đời sống cho người dân. Trưởng Đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến nhận thấy cần phát triển chính sách riêng cho dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ví dụ như ở Mường Tè là dân tộc Mảng và La Hủ. Nếu giải quyết được đời sống kinh tế văn hoá dân trí cho hai dân tộc này thì góp phần lớn vào việc giảm nghèo cho huyện Mường Tè.
Trưởng Đoàn giám sát hy vọng, với những đặc điểm đặc thù riêng biệt, việc phân tích thực tiễn phong phú trong công tác giảm nghèo tại huyện Mường Tè sẽ góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới./.