Thường trực Ủy ban Kinh tế làm việc với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

03/10/2024

Sáng 3/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã làm việc với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt và Đồng Chủ tịch VBF Michael Vũ Nguyên đồng chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt và các nhà tài trợ ủng hộ nhân dân tỉnh Cao Bằng khắc phục thiên tai

Toàn cảnh cuộc làm việc

Báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2025 cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt chỉ tiêu đề ra. Nếu duy trì được đà phục hồi này trong các quý cuối năm, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mục tiêu 6,5%.

Đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực FDI đóng góp 136,69 tỷ USD, chiếm khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

VBF nhận định, phục hồi kinh tế dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi những cải thiện liên tục trong lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu và sự gia tăng trở lại của nhu cầu nội địa. Dòng vốn FDI được dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng trong năm 2025. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục có sự chuyển dịch, các công ty nước ngoài có thể ngày càng xem Việt Nam như một trung tâm chiến lược cho sản xuất công nghệ cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết, Ủy ban Kinh tế là cơ quan có chức năng thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, bao gồm kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động của ngân hàng và các doanh nghiệp.           

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, đa số dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua theo quy trình hai kỳ họp. Tuy nhiên, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) là luật đầu tiên được thông qua sau 4 kỳ họp cho ý kiến; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sau 3 kỳ họp cho ý kiến. Điều này cho thấy, Quốc hội luôn thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc xem xét ban hành luật, nhất là những văn bản luật có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; tin tưởng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo ra những động lực và cơ sở pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Cùng với đó, trong năm 2024, Quốc hội có một chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 đến năm 2023”. Qua chuyên đề giám sát này, sẽ tiếp tục ban hành một nghị quyết sau giám sát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Việt Nam hiện nay cũng đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia để đẩy mạnh phát triển hạ tầng, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đề cập đến đổi mới thể chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Tám sắp tới, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 16 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến vào 12 dự án luật khác. Với tinh thần tháo gỡ ngay các vướng mắc cho nhà đầu tư, Chính phủ đã trình các dự án luật theo hướng “một luật sửa nhiều luật” để giải quyết nhanh chóng những khó khăn đang hiện hữu.

Đồng Chủ tịch VBF Michael Vũ Nguyên phát biểu

Đánh giá cao những tín hiệu lạc quan trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBF Michael Vũ Nguyên nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, dòng vốn FDI tăng ổn định ngày càng khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

Các ý kiến VBF cũng cho rằng, nhiều luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quy hoạch đang được đưa ra thảo luận. Việc triển khai cách tiếp cận “một luật sửa đổi nhiều luật”, tức là sửa đổi nhiều luật liên quan dựa trên một khung duy nhất nhằm giải quyết những thách thức còn tồn đọng cũng như các vấn đề còn chồng chéo trong các luật. Cách tiếp cận này dự kiến sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các thành viên VBF bày tỏ quan tâm việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh tế

Cũng tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi về những nội dung cùng quan tâm như: đổi mới khung pháp lý; quản lý thị trường chứng khoán; sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc làm việc./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức