Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không có các giải pháp giảm dần lượng chất thải độc hại thì ô nhiễm sẽ ngày càng tăng cao. Đó là những cơ sở để xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường thể hiện định hướng điều tiết của Nhà nước đối với việc tiêu dùng một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế việc sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm. Luật thuế Bảo vệ môi trường gồm 4 chương, 14 điều, trong đó xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, người nộp thuế Bảo vệ môi trường; căn cứ tính thuế; khai, tính, nộp và hoàn thuế và điều khoản thi hành.
Không nên tính phí bảo vệ môi trường
Góp ý vào dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật thuế này. Tuy nhiên, đối với dự thảo Luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh những vấn đề như khung điều chỉnh thuế; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế.
Đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng), Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Trong dự thảo luật quy định căn cứ tính thuế dựa trên số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối là không chính xác. Các đại biểu nêu ý kiến, cách tính thuế nên theo tỷ lệ phần trăm (%) bởi vì có những mặt hàng như xăng dầu, giá cả lên xuống thất thường, không cố định, biên độ rộng nên rất khó tính thuế. Việc áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm có ưu điểm là số thu tăng/giảm theo giá hàng hoá, linh hoạt trong việc phục vụ cho thực hiện chính sách của Nhà nước khi cần điều tiết thị trường, điều tiết cung cầu.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến: Nếu đã thu thuế bảo vệ môi trường rồi thì không nên thu phí bảo vệ môi trường nữa. Lý giải về ý kiến này, các đại biểu cho rằng, nếu thu cả thuế và phí bảo vệ môi trường sẽ gây nhiều thắc mắc của đông đảo bộ phận dân cư. Việc thu phí bảo vệ môi trường nên áp dụng cho các cơ quan, công ty, doanh nghiệp..., còn đối với người dân thì không nên áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) quan tâm đến vấn đề thu phí môi trường có thể chồng chéo với thu Thuế môi trường. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào giải thích, hiện nay có một số doanh nghiệp sử dụng lượng xăng, dầu rất lớn như các hãng hàng không, các hãng tàu biển... Các đơn vị này nhập về khối lượng lớn nhưng không bán ra thị trường mà chỉ để sử dụng nội bộ. Những doanh nghiệp này, Nhà nước không nên thu thuế môi trường mà chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp trả phí môi trường thôi là đủ.
Thuốc lá, các chất tẩy rửa, hóa chất độc hại cũng phải thuộc nhóm chịu thuế
Trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định 5 nhóm hàng hoá vào diện phải chịu thuế, gồm xăng dầu, than, túi nhựa xốp, dung dịch HCFC (được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như làm lạnh, điều hòa không khí…), nhóm thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng và thuốc sử dụng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, có một loại chất tẩy rửa, hoá chất độc hại, thuốc lá gây ảnh hưởng tới sức khoẻ tới con người lại không được liệt kê vào diện phải chịu thuế. Đó là thắc mắc của đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An). Còn đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An) cho rằng: Chính phủ cần rà soát và đưa thêm các đối tượng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nằm ngoài diện phải nộp thuế trong luật này như các loại nước thải sinh hoạt ở khu dân cư, các chất tẩy rửa công nghiệp.
Về đối tượng không phải chịu thuế, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) đưa ra dẫn chứng: Một cơ sở sản xuất hàng hóa thay hàng nhập khẩu lại bị đánh thuế bảo vệ môi trường còn cơ sở khác sản xuất cùng một loại hàng hoá như vậy để xuất khẩu lại không bị đánh thuế là quá vô lý. Vì vậy, Chính phủ cần quy định rõ hàng hóa của tổ chức, cá nhân sản xuất trực tiếp xuất khẩu (hoặc uỷ thác cho các cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu) khi không phải chịu thuế bảo vệ môi trường./.