Phiên họp thứ Mười một của UBTVQH

26/08/2008

* Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm: có “gọt chân cho vừa giày” không? * Dự án Luật Đăng ký bất động sản: khó hiểu từ… quan điểm xây dựng Luật

Sáng 25.8, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm. Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan tới dự.

Theo Tờ trình về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta còn rất phân tán; Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất mới chỉ là Nghị định của Chính phủ. Trong khi đó, các quy định về giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với một số cơ quan đăng ký sở hữu tài sản... còn mâu thuẫn, trùng dẫm và không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Việc ban hành một đạo luật về đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ giải quyết những vướng mắc trên mà còn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức Việt Nam trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường trong và ngoài nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực UB Pháp luật, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận lý giải: sở dĩ có sự khác nhau trong các văn bản pháp luật về trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của việc đăng ký là do có những loại hình giao dịch bảo đảm khác nhau, tài sản tham gia giao dịch và tính chất và nhu cầu quản lý đối với mỗi loại tài sản cũng khác nhau. Nếu muốn ban hành Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm thì cần phải giải quyết mối quan hệ của việc đăng ký giao dịch bảo đảm với việc công chứng các giao dịch đó, giá trị của việc đăng ký giao dịch bảo đảm với giá trị của việc công chứng... – Đây là những vấn đề lớn, chưa được làm rõ. Thường trực UB Pháp luật đề nghị: rút dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm khỏi chương trình lập pháp của QH vì: dự án Luật chỉ đưa ra một số quy định chung để điều chỉnh việc đăng ký đối với tất cả các giao dịch bảo đảm bằng các loại tài sản khác nhau nhưng trình tự, thủ tục cụ thể về đăng ký đối với giao dịch được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì cũng vẫn phải để luật chuyên ngành điều chỉnh. Như vậy, thực chất dự thảo Luật chỉ còn điều chỉnh việc đăng ký đối với các giao dịch được bảo đảm bằng động sản, chiếm một phần rất nhỏ trong số các giao dịch được bảo đảm.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn: việc pháp điển hóa các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm để xây dựng thành một đạo luật điều chỉnh chung về vấn đề này là không phù hợp, không thể thực hiện được và cũng không thể tạo nên hệ thống các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm thống nhất. Dự thảo Luật mang tính chất gọt chân cho vừa giày và Thường trực UB Pháp luật dù rất cố gắng tiếp cận với quan điểm xây dựng dự án Luật này của Chính phủ nhưng cũng đành... chịu, không thể đồng thuận được. 

Tham dự Phiên họp của UBTVQH, nhiều chuyên gia của các lĩnh vực thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án Luật cũng tán thành quan điểm của UB Pháp luật: cách xây dựng Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm của Chính phủ rất lúng túng; Phạm vi điều chỉnh không rõ ràng, không phù hợp với thông lệ lập pháp quốc tế và khuyến nghị: không nên đẻ thêm những thủ tục hành chính không cần thiết khi mà thủ tục hành chính hiện nay của nước ta đã quá lằng nhằng. Chủ tịch HĐDT K’ Sor Phước, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nhấn mạnh: mặc dù thời điểm này mới đề nghị dừng xem xét ban hành Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm là hơi muộn nhưng nếu việc ban hành không giải quyết được những vướng mắc hiện tại, thậm chí còn có thể dẫn đến sự rối loạn trong thực tiễn thì rút dự án Luật này khỏi chương trình lập pháp của QH là cần thiết; Không nên có tâm lý thôi thì... đã đưa vào Chương trình thì cứ phải cố... thông qua.

Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Đăng ký bất động sản.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực UB Pháp luật băn khoăn về tính khả thi của dự  án Luật và cho rằng: ngay từ quan điểm xây dựng Luật và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã rất... lằng nhằng và thấy ngay sự trùng dẫm, chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm. Vấn đề lớn nhất của dự án Luật Đăng ký bất động sản mà Ban soạn thảo chưa làm rõ được là: có hành vi đăng ký bất động sản hay không? Nếu có thì việc đăng ký bất động sản là việc đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản (đăng ký lần đầu) hay đăng ký các giao dịch liên quan đến bất động sản (đăng ký biến động); Mục đích của việc đăng ký bất động sản là gì? Mối liên hệ giữa hành vi đăng ký với các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến công chứng, chứng thực hợp đồng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, cấp phép đầu tư liên quan đến công trình xây dựng, khai thác bất động sản phải được giải quyết như thế nào?...

Thường trực UB Pháp luật cũng không tán thành với các quy định của Dự thảo Luật liên quan đến Văn phòng đăng ký bất động sản là đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện việc đăng ký bất động sản; Đồng thời Văn phòng này có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, không thể và không nên giao cho Văn phòng đăng ký bất động sản. Mặt khác, quy định người dân vừa phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận, vừa phải đăng ký đối với bất động sản đó thì mới được tham gia vào các giao dịch dân sự là không hợp lý, làm phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục, gây tốn kém, phiền hà cho dân. Hơn nữa, việc hình thành hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đồ sộ bên cạnh hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cấp tỉnh, huyện; Chuyển chức năng quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản từ một số bộ, ngành cho một số cơ quan thực hiện... cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, tránh những xáo trộn không cần thiết trong hoạt động quản lý nhà nước về bất động sản.

Tán thành quan điểm của Thường trực UB Pháp luật về việc thay vì ban hành một đạo luật độc lập về đăng ký bất động sản, QH  và Chính phủ nên rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các Luật có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp trong các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này... – Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền thẳng thắn: các Ủy viên UBTVQH còn thấy quan điểm xây dựng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật rất lằng nhằng, khó hiểu thì người dân có thể tiếp cận được hay không?

Kết luận nội dung cho ý kiến về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Dự án Luật Đăng ký bất động sản, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, các Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu vẫn tiếp tục trình QH vì nhu cầu của cuộc sống đối với 2 dự án Luật này là có thực. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: UB Pháp luật và Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, thống nhất quan điểm về các nội dung lớn của 2 dự án Luật để có thể trình QH một bản dự thảo bảo đảm giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, có tính khả thi cao và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

 

Phạm Thuý

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác