Thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh Hưng Yên
Thưa các đồng chí đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng - duyên hải Bắc Bộ,
Thưa các đại biểu quý khách,
Hội nghị lần thứ 9 Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng - duyên hải Bắc Bộ với chủ đề “Những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị qua giám sát của HĐND cấp tỉnh” khai mạc tại thị xã Hưng Yên – quê hương văn hiến và giàu truyền thống cách mạng, lại đúng vào dịp cả nước phấn khởi Kỷ niệm lần thứ 63 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 và nỗ lực hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước cách đây 60 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến trong điều kiện mới. Thay mặt UBTVQH và với tình cảm cá nhân, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, các đồng chí đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố, các vị quý khách sức khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí, thưa các vị đại biểu,
Qua báo cáo của đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tại Hội nghị này cho thấy, những năm vừa qua, HĐND các tỉnh, thành phố rất chú ý đổi mới phương thức hoạt động và coi trọng hiệu quả theo hướng phát huy mạnh mẽ hơn tính dân chủ, sát dân hơn, thực hiện công khai, minh bạch hơn, tranh luận thẳng thắn nhưng xây dựng, trách nhiệm cao trước cử tri. Đặc biệt, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND đã tăng cường các hoạt động giám sát dưới nhiều hình thức, theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm; Nhiều đại biểu HĐND cũng cố gắng chọn lựa hình thức giám sát thích hợp; Nhiều kết luận giám sát đã được đôn đốc, theo dõi sát sao việc thực hiện... đã góp phần thúc đẩy UBND, các cấp, các ngành tập trung và kịp thời tháo gỡ được nhiều khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả công việc.
Tuy vậy, xét ở những khía cạnh nhất định, hoạt động của HĐND vẫn còn hình thức, chưa đáp ứng được đầy đủ và yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, của thực tế cuộc sống. Với đặc điểm chung về tổ chức của các cơ quan dân cử ở nước ta là tuyệt đại bộ phận đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, hình thức hoạt động chủ yếu diễn ra ở các Kỳ họp HĐND, hoạt động giám sát chật hẹp về quỹ thời gian nên hiệu quả còn hạn chế. Do đó, nâng cao hiệu quả được giám sát sẽ góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, kể cả đối với QH.
Tôi cho rằng, chủ đề “Những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị qua giám sát của HĐND cấp tỉnh” mà các đồng chí đã lựa chọn cho Hội nghị lần này là rất thiết thực. Từ đầu Hội nghị đến giờ, các đồng chí đã thảo luận rất sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn, nhiều ý kiến phát biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong tổ chức hoạt động giám sát, từ khâu chuẩn bị nội dung, kế hoạch giám sát đến thực hiện giám sát, báo cáo kết quả giám sát và đặc biệt là theo dõi, đôn đốc thực hiện kết quả giám sát... Kết thúc Hội nghị này, các đồng chí sẽ rút ra những kết luận có tính tổng kết, mang tính định hướng, gợi mở để các HĐND vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Tôi hoan nghênh, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí và việc tổ chức Hội nghị này.
Thưa các đồng chí, thưa các vị đại biểu,
Nhà nước ta là Nhà nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở địa phương, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hoạt động của HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp đều hướng vào mục tiêu chung là bảo đảm ổn định và phát triển. Tuy nhiên, theo Hiến pháp và pháp luật, HĐND tỉnh cũng như các cơ quan dân cử khác có chức năng riêng và độc lập nhất định. Đến dự Kỳ họp của HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng - duyên hải Bắc Bộ, tôi xin nêu một số vấn đề về giám sát và một số vấn đề khác để các đồng chí quan tâm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình:
Thứ nhất, như các đồng chí đã biết, QH với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân cả nước. Trong những năm qua, QH không ngừng chăm lo hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là hội nhập về kinh tế; Liên tục đổi mới nên hoạt động giám sát có hiệu quả cao hơn và thực chất hơn; Chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được nâng cao. Tuy nhiên, có 2 vấn đề lớn đặc biệt quan tâm là: tính hiệu lực pháp lý của kiến nghị trong hoạt động giám sát, bản lĩnh trong giám sát và xác định rõ hơn những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan dân cử trên thực tế, chất lượng các quyết định.
Ở địa phương, HĐND là cơ quan quyền lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Theo thẩm quyền quy định trong Luật tổ chức HĐND và UBND, HĐND quyết định những vấn đề lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương; UBND là cơ quan chấp hành. Ở đây, xét ở góc độ khái quát cao thì đã có sự phân định tương đối rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước, nhưng trong thực tế thì không hẳn rõ ràng tất cả. Do đó, trong khi nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, vấn đề đặt ra là: HĐND các cấp cần bàn bạc kỹ lưỡng về cách thức hoạt động, lựa chọn trọng tâm không ngừng đổi mới, coi trọng thực chất thì mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động nói chung và hoạt động giám sát nói riêng.
Những vấn đề do HĐND địa phương quyết định có đúng, có sát không? – Đã đi vào cuộc sống như thế nào?- Cơ quan nhà nước thực hiện ra sao?... - Chúng ra không thể biết nếu thiếu công tác giám sát, kiểm tra; Hoặc công tác giám sát, kiểm tra chất lượng thấp. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, UBTVQH chỉ đạo quyết liệt hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn hoạt động giám sát với nhiều hình thức đa dạng.
Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND đã quy định riêng một chương về giám sát. Vấn đề là sử dụng công cụ này như thế nào cho phù hợp với thực tiễn đa dạng của từng địa phương. Theo quy định của pháp luật, có nhiều chủ thể có chức năng giám sát, nhưng giám sát của HĐND là hoạt động duy nhất mang tính quyền lực nhà nước ở địa phương. Vì vậy, sẽ mang lại hiệu quả cao nếu biết sử dụng và phát huy tốt chức năng quan trọng này. Chúng ta đều nhận thức thống nhất là: giám sát của HĐND không phải làm khó khăn, cản trở cho công tác điều hành của UBND mà tạo điều kiện cho UBND kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế, kể cả sai phạm, khắc phục hậu quả; Giúp cấp ủy Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo của mình.
Cùng với việc tự mình tổ chức tốt các hoạt động giám sát, tiếp dân, tiếp xúc cử tri, HĐND mà trực tiếp là Thường trực HĐND cần phải có những biện pháp phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức thành viên, cơ quan ngôn luận, khơi dậy tính tích cực của dư luận xã hội rộng rãi để giải quyết đúng, nhanh các kiến nghị của cử tri, các kết luận giám sát, kiên quyết khắc phục tình trạng nói mà không làm, nói nhiều làm ít hoặc làm nửa vời, hứa rồi để đấy, làm giảm niềm tin của nhân dân.
Một cách thức rất có hiệu quả của giám sát là tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại Kỳ họp và giữa hai Kỳ họp HĐND. Gắn kết chặt chẽ hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND với các cách thức giám sát khác. Đưa hoạt động chất vấn trở thành hoạt động thường xuyên, hướng vào mục tiêu ủng hộ, góp sức cùng với UBND và các cơ quan tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để hoạt động giám sát có “sức nặng”, hiệu quả cao, trước hết phải đánh giá đúng và sâu sắc tình hình, nhưng quan trọng hơn là quan tâm nhiều đến kiến nghị; Những kiến nghị phải trúng và có tính khả thi cao; Các kiến nghị xác đáng phải được đôn đốc, theo sát đến cùng việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Thực hiện chức năng giám sát tốt, giải quyết các kiến nghị giám sát tốt sẽ nâng tầm và nâng cao vị thế, uy tín của các cơ quan trước cử tri, trước nhân dân.
Thứ hai, khu vực đồng bằng - duyên hải Bắc Bộ vừa có các tỉnh, vừa có thành phố trực thuộc Trung ương với diện tích tự nhiên và đất canh tác lớn, nhiều tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, đã phối hợp ngày càng tốt hơn và phát huy có hiệu quả truyền thống cách mạng, văn hóa với tiềm năng vật chất của địa phương cũng như của cả khu vực để tạo ra bước phát triển mới về KT-XH. Thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành nên đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên các lĩnh vực, diện mạo từ nông thôn đến đô thị được thay đổi nhiều, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, phải rất chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành nghề để tạo điều kiện cơ cấu lại và chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, nông thôn gắn liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Đồng thời với đẩy nhanh phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề phải đặc biệt quan tâm đến duy trì diện tích trồng lúa có khả năng thâm canh và tăng vụ cao để góp sức cùng cả nước bảo đảm an ninh lương thực quốc gia về lâu dài. Có như vậy mới bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong từng địa phương và trong phạm vi cả nước.
Thứ ba, ngoài một số tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc có nhiều thuận lợi nên phát triển khá hơn, số địa phương còn lại còn phát triển ở mức độ khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Trong những tháng còn lại của năm 2008 và cả những tháng đầu năm 2009, nước ta vẫn còn tiếp tục đối mặt với những khó khăn chung, như lạm phát còn cao, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giảm bất thường... sẽ ảnh hưởng không thuận đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống dân cư, làm chậm tiến độ thực hiện nhiều công trình, dự án đầu tư. Thiên tai, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn diễn biến khó lường, nếu không chủ động phát hiện, ngăn ngừa kịp thời sẽ có những tác động không tốt đến sản xuất nông nghiệp.
Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục có giải pháp hữu hiệu hơn để thu hút được nhiêçu dự án đầu tư vào địa bàn. Nhưng cùng với thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, cần tìm kiếm, lựa chọn các dự án có “sức nặng” về kinh tế, khoa học, công nghệ để góp phần tạo sự chuyển dịch nhanh về chất trong cơ cấu kinh tế, tăng nhanh nguôçn thu cho ngân sách địa phương, hạn chế thấp nhất ô nhiễm về môi trường.
Thứ tư, trong điều kiện lạm phát, giá cả tăng cao, kinh tế tăng chậm lại có tính toàn cầu và còn diễn biến phức tạp, để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2008, HĐND các tỉnh, thành phố cần bám sát và cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được QH, Chính phủ đề ra. Người đứng đầu và những người có trách nhiệm khác của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần sâu sát cơ sở hơn, nắm chắc và kịp thời diễn biến của tình hình, vận dụng sáng tạo các giải pháp vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình, chú trọng bảo đảm các nhu cầu an sinh xã hội, nhất là đối với những người có công, người nghèo, người làm công hưởng lương có thu nhập thấp; Áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và duy trì thường xuyên để ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thưa các đồng chí, thưa các vị đại biểu,
Nhân dịp dự Hội nghị lần thứ 9 Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng - duyên hải Bắc Bộ, tôi xin chúc các đồng chí tiếp tục phát huy những kinh nghiệm tốt và kết quả đã đạt được trong thời gian qua; Khắc phục những yếu kém, hạn chế; Chung lòng, chung sức, cùng hành động vượt qua khó khăn trước mắt, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2008, chuẩn bị thật tốt các điều kiện để bước vào thực hiện kế hoạch năm 2009.
Chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, các đồng chí đại diện Thường trực HĐND các tỉnh và thành phố, các vị đại biểu mọi điều tốt đẹp. Xin trân trọng cám ơn.