TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 25/05: QUỐC HỘI GIÁM SÁT TỐI CAO VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15 VỀ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT-XH, MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, với những kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Cùng với những quả quan trọng đạt được, còn một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Về tình hình triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, đại biểu nêu rõ, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo Bộ chủ quản và các địa phương đang tích cực triển khai. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều dự án chậm tiến độ, như: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC và dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột” việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư chậm so với các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu tham gia phát biểu
Một số dự án tăng tổng mức đầu tư, do tăng chi phí GPMB, theo tính toán ban đầu Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự kiến tăng khoảng 4.300 tỷ đồng; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến tăng khoảng 3.680 tỷ đồng; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự kiến tăng khoảng 123 tỷ đồng. Có thể thấy chưa bao giờ việc triển khai dự án đầu tư lớn lại được hưởng cơ chế, chính sách thuận lợi như vậy nhưng vẫn chậm tiến độ (có đến 5/8 dự án chậm) với những lý do nguyên nhân chậm không khác gì việc thực hiện các dự án đầu tư công khác, như vướng mắc giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu và thiếu vật liệu xây dựng.
Đại biểu chỉ rõ, đây là những dự án trọng điểm quốc gia, tổng mức đầu tư lớn việc hoàn thành sớm sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội nhiều địa phương phát triển, càng để chậm trễ làm đội kinh phí rất cao, lãng phí cho ngân sách. Báo cáo giám sát cần phân tích kỹ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể cá nhân một cách rõ ràng để có giải pháp cho thúc đẩy thực hiện dự án. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các phần việc còn lại; Chính phủ xem xét nếu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, thì sớm tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật
Về đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế, tổng mức vốn bố trí là 14 nghìn tỷ đồng với 145 dự án thuộc lĩnh vực y tế, đến thời điểm hiện nay, tổng số giải ngân của các dự án đạt 48% so với tổng mức vốn bố trí theo Nghị quyết số 43. Đến thời điểm giám sát còn nhiều dự án chậm tiến độ, tuy nhiên khả năng sẽ hoàn thành trước 31/12/2024, nhất là các gói thầu mua sắm trang thiết bị. Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực triển khai phần việc còn lại.
Toàn cảnh phiên họp
Đại biểu cho biết, hiện nay còn rất nhiều trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Lai Châu được đầu tư kiên cố từ lâu, đến nay đã quá tải hoặc xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nguồn kinh phí địa phương không thể đáp ứng được. Việc thực hiện các dự án theo Nghị quyết 43 sẽ kết thúc trong năm nay. Đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả và sớm đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030 để có giải pháp trong thời gian tới.
Về chính sách giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng áp dụng cho một số mặt hàng, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Thuế và các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp biết, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra từ trung ương đến cơ sở tránh việc lợi dụng chính sách giảm thuế để trụ lợi.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn theo Nghị định số 28 ngày 26/4/2022 về Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, để đảm bảo phù hợp với đối tượng thụ hưởng quy định tại mục b, điểm 3, Điều 1 của Nghị quyết 88 năm 2019 của Quốc hội khóa 14.
Về báo cáo giám sát, đại biểu nêu rõ, Nghị quyết 43 cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật…Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, tạo điều kiện rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, trong báo cáo giám sát chưa có đánh giá cụ thể kết quả, hạn chế, yếu kém việc thực hiện, liệu có việc lợi dụng cơ chế chính sách trong thực hiện chỉ định thầu hay không? Để rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai tới, đại biểu đề nghị cần có bổ sung đánh giá phần này trong báo cáo.