ĐBQH NGUYỄN THỊ THU DUNG: RÀ SOÁT VÀ XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH NGUỒN VỐN, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC DỰ ÁN TIẾP TỤC ĐƯỢC ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ

25/05/2024

Để phát huy hơn nữa mục đích, ý nghĩa của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát và xem xét điều chỉnh nguồn vốn, tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị để đưa vào hoạt động, vận hành…

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/05: QUỐC HỘI GIÁM SÁT TỐI CAO VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15 VỀ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT-XH, MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cơ bản nhất trí với Báo cáo số 616 của Đoàn Giám sát và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, việc Quốc hội quyết định tổ chức giám sát để thông qua đó đánh giá toàn diện kết quả tổ chức thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án; đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới rất có ý nghĩa, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo. Nghị quyết cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội từ năm 2022 đến nay. Qua đây cũng cho thấy, nỗ lực rất lớn và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện cũng như nghiên cứu báo cáo và phụ lục kèm theo cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn có những bất cập, tồn tại hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là việc xây ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Đơn cử như: Chính sách tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022 quy định được triển khai thực hiện chính sách đến hết ngày 15/8/2022. Chỉ có 4,5 tháng để triển khai thực hiện là rất gấp gáp và nhiều khó khăn.

Trong khi đó, có địa phương đối tượng thụ hưởng chính sách này lên tới hàng trăm nghìn người, cần có thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải quyết. Dó đó, còn nhiều người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng hết thời gian thực hiện chính sách nên không được hưởng. Bên cạnh đó, có địa phương ban hành thêm điều kiện được hưởng, thêm danh mục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người lao động và tạo tâm lý cho họ không muốn làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cùng với đó là tình trạng văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo phụ lục số 1, tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Nghị quyết: Trong số 21 văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ có 07 văn bản được ban hành bảo đảm tiến độ, còn lại 14 văn bản là chậm tiến độ theo yêu cầu; trong đó có những văn bản ban hành chậm đến 7 tháng theo yêu cầu kế hoạch đề ra, như: Thông tư hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp; Thông tư về danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.

Về trình tự, thủ tục thực hiện dự án thì trừ một số dự án lớn có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm rút ngắn thủ tục và thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án còn lại vẫn thực hiện theo các quy định thông thường của pháp luật dẫn đến thời gian chuẩn bị và phê duyệt dự án kéo dài, trong khi thời gian thực hiện và giải ngân thì có thời hạn dẫn đến khó khăn. Trong quá trình thực hiện một số lĩnh vực thì trong phân bổ vốn còn tình trạng cào bằng, dàn trải, không tập trung, thiếu đồng bộ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh: Hiệu quả của chương trình là rất rõ ràng, cụ thể và đã có những tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để phát huy hơn nữa mục đích, ý nghĩa của Chương trình, tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ như trong báo cáo cũng đã nêu, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa được đúng mục tiêu của chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát và xem xét điều chỉnh nguồn vốn, tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị để đưa vào hoạt động vận hành.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng cho rằng, vốn của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội thì có thời hạn, không thể kéo dài nên đề nghị Chính phủ xem xét trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 -2030; chỉ đạo tiếp tục rà soát để có nhu cầu đầu tư đồng bộ, hiệu quả đối với cái các cái dự án trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội để các dự án này được đầu tư đồng bộ. Vì chỉ khi một dự án được đầu tư đồng bộ, đưa vào thực hiện một cách có hiệu quả thì mới làm phát huy được cái hiệu quả của chương trình trên thực tế./.

Bích Lan

Các bài viết khác